Tăng trưởng xanh khu vực miền Nam: Thách thức và giải pháp

19:17' - 15/12/2017
BNEWS Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được triển khai từ năm 2012, sau 5 năm thực hiện đã cho những kết quả bước đầu tích cực.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được triển khai từ năm 2012, sau 5 năm thực hiện đã cho những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, để tăng trưởng xanh đi vào thực chất và bền vững cần phải có cơ chế và giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn trong giai đoạn mới.

Còn nhiều thách thức

Miền Nam (bao gồm các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) được đánh giá là khu vực tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Ông Lê Đức Chung, chuyên gia dự án tăng trưởng xanh cho biết, mặc dù tỷ lệ tỉnh xây dựng chương trình hành động tăng trưởng xanh ở khu vực miền Nam là khá cao nhưng việc thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm, do hạn chế về nhận thức và năng lực triển khai. Thêm vào đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh cũng đòi hỏi các địa phương phải điều chỉnh các nguồn lực về đất đai, vốn, quy hoạch tích hợp, áp lực chi tiêu cho thích ứng.

Ông Châu Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre cho rằng, mặc dù các định tăng trưởng xanh là yêu cầu tất yếu nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía bộ ngành Trung ương nên việc xây dựng các nội dung trong kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh chưa phù hợp với thực tế và nằm ngoài khả năng thực hiện của địa phương, vì vậy tính khả thi không cao.

Điển hình như việc lập các dự án điện gió hay việc khuyến cáo người dân giảm số vụ trồng lúa từ 3 vụ/năm xuống 2 vụ/năm tại huyện Ba Tri. Nguyên nhân xuất phát từ năng lực xây dựng dự án tăng trưởng xanh còn hạn chế, mặt khác do nhu cầu sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh còn chậm.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, hạn chế trong việc thực hiện tăng trưởng xanh ở miền Nam hiện nay là mặc dù cùng chung một chiến lược của quốc gia với các mục tiêu chung nhưng mỗi tỉnh, thành lại xây dựng kế hoạch và thực hiện theo cách riêng; thiếu sự liên kết, hợp tác chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong vùng.

Mặt khác, việc xây dựng các tiêu chí để đánh giá về tăng trưởng xanh hiện nay chưa sát thực tế và chưa được đồng bộ với các chỉ tiêu thống kê khiến việc thẩm định kết quả không rõ ràng, khó định lượng những chuyển biến từ việc thay đổi tăng trưởng theo hướng xanh hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh cơ chế, thủ tục thực hiện thì nguồn vốn chính là vấn đề lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Bà Justyna Grosjean, quản lý dự án Phát triển kinh tế bền vững của Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) cho biết, từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp xanh của Việt Nam là khoảng 31 tỷ USD. Chỉ tính riêng 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu đầu tư cho tăng trưởng xanh đã cần khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó phần ưu tiên cao là 40.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn mà ngân sách chi tiêu công và các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không thể đáp ứng hết được.

Theo bà Justyna Grosjean, đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà thông lệ thực hiện tăng trưởng xanh ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, nguồn vốn ngân sách và tài trợ nước ngoài chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại 70% phải được huy động từ khối tư nhân.

Bà Bùi Ngọc Vy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Cần Thơ cho rằng, hiện nay tất cả các tỉnh thành đều gặp khó về nguồn vốn đầu tư cho các dự án tăng trưởng xanh vì số dự án thì nhiều, nhu cầu vốn lớn nhưng phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì hạn hẹp.

Các dự án được hỗ trợ từ nguồn hỗ trợ nước ngoài còn ít do không đáp ứng được các tiêu chí mà đối tác đặt ra. Trong khi đó, chưa có cơ chế hay chính sách này để huy động các nguồn lực khác ngoài xã hội tham gia vào tăng trưởng xanh.

Cần có cơ chế cụ thể và hiệu quả

Ông Võ Doãn Dụng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho rằng, để việc triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh có hiệu quả, trước tiên cần nâng cao năng lực triển khai các hoạt động, dự án tăng trưởng xanh của đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến, huyện, xã; tập huấn và hướng dẫn các địa phương cách theo dõi, giám sát và thống kê kết quả từ thực hiện tăng trưởng xanh.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, xây dựng lối sống xanh cho người dân.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng giữa các tỉnh lân cận để có biện pháp hỗ trợ giải quyết các vấn đề chung, tạo nên hiệu ứng lan tỏa tăng trưởng xanh cho cả khu vực. Cụ thể, có thể xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh trong khu vực tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang) về kinh nghiệm chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp xanh.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hiện nay, do đặc thù của mỗi địa phương khác nhau nên việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh còn rời rạc, chưa mang tính liên kết vùng.

Để tăng tưởng xanh trở thành động lực chung và mang tính lan tỏa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có cơ chế xây dựng các chương trình hành động tăng trưởng xanh mang tính khu vực để thấy rõ sự tác động qua lại giữa các địa phương và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các tổ chức hợp tác xây dựng các chỉ tiêu đánh giá cụ thể, sát thực tế hơn cũng như tổ chức tập huấn thống kê các thông số tăng trưởng xanh cho từng địa phương để việc đánh giá hiệu quả chính xác hơn.

Về bài toán nguồn vốn đầu tư, các chuyên gia cho rằng, chiến lược tăng trưởng xanh không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn để huy động các nguồn lực tư nhân đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.

Bà Justyna Grosjean cho rằng, tăng trưởng xanh phải gắn liền với tài chính xanh và tín dụng xanh. Nói cách khác, phải có cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh, và cả tổ chức tín dụng cấp vốn phục vụ các dự án tăng trưởng xanh.

Cụ thể, nên tập trung ưu đãi để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án thược lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; phát triển rừng bền vững, quản lý, xử lý chất thải bền vững, chuyển đổi nông nghiệp xanh…

Bà Lê Hạnh, đại diện Viện tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam đề xuất, cần sử dụng cơ chế tài chính sáng tạo cho các dự án xanh. Cụ thể, nguồn vốn từ ngân sách không nên phân bổ dàn trải mà cần được sử dụng theo nguyên tắc đòn bẩy, nghĩa là để nhận được một khoản đầu tư từ ngân sách chủ đầu tư các dự án cần có vốn đối ứng hoặc huy động từ khu vực tư nhân một khoản tương ứng.

Theo bà Lê Hạnh, thực ra nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh không thiếu, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đặc thù của tăng trưởng xanh là đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận chỉ ở mức trung bình trong thời gian dài, thậm chí có nguy cơ rủi ro cao về công nghệ, tín dụng. Do đó, để khuyến khích khối tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh cần có cơ chế bảo lãnh của Nhà nước để giảm thiểu rủi ro, nâng cao mức lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Muốn tận dụng được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, nhà nước cần hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao năng lực lập dự án, chứng minh tính khả thi và hiệu quả đối với sự phát triển của địa phương…

Xét tổng thể các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng xanh không phải là một dự án ngắn hạn mà là một chiến lược lâu dài, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của từng khu vực và cả nước. Vì vậy, cần có sự đầu tư toàn diện về mặt xây dựng cơ chế, chính sách cũng như huy động các nguồn lực xã hội tham gia mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục