Tạo bứt phá, phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

16:57' - 08/06/2023
BNEWS Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, với 451/459 phiếu tán thành (đạt hơn 92%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Báo cáo tại hội trường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo Chương trình kỳ họp, sáng 27/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; đồng thời thống nhất nhận định, thời gian qua, công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã có nhiều đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí và giảm tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan. Qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân.

Trên cơ sở lựa chọn các chuyên đề giám sát, ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Phiếu xin ý kiến gửi qua App Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 gồm 4 chuyên đề.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Trong 4 chuyên đề trên, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 và 4; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề 2 và 3.

Cần thiết phải có chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Theo đó, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển.

Trong khi đó, Thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước.

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ, tạo cơ sở pháp lý để phát huy mạnh mẽ nội lực, huy động tối đa nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phục vụ sự phát triển; tạo động lực mới thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế Đông-Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và cả nước; tạo bứt phá mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Cơ bản tán thành với các cơ chế tài chính đối với Công ty Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên theo đại biểu, quy định Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho công ty là chưa đủ.

"Công ty tài chính với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố trong khi nhu cầu của lĩnh vực ưu tiên rất lớn, ví dụ như là phát triển đường sắt đô thị (25 tỷ USD). Tôi đề nghị cần có cơ chế tài chính đặc thù, nguồn tài chính cho công ty tài chính thành phố như phát hành trái phiếu quốc tế và ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu rõ.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng cho rằng, việc tạo thêm cơ chế tài chính đặc thù cho Công ty Tài chính thành phố trong phát triển đường sắt đô thị vừa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay; đồng thời giúp phát triển được ngành công nghiệp đường sắt đô thị trước mắt và trong dài hạn.

Về nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức tại Điều 9, 10 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, có một số nội dung khá lẻ tẻ; có nội dung không cần thiết phải do Quốc hội quyết định. Ví dụ như việc thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND, quy định tiêu chuẩn, định mức, số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong khi các nội dung về quyền cho UBND thành phố Thủ Đức lại chưa rõ ràng.

Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới như đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.

“Theo Tờ trình Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép thành lập từng cơ quan chuyên môn cụ thể như: Sở an toàn thực phẩm, Ban đô thị thuộc Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc hay tăng thêm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách tăng thêm số lượng cấp phó tại một số đơn vị hành chính cấp xã. Ngay tại Nghị quyết này, tôi đề nghị Quốc hội phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp Thành phố, cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc; phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn... quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu số lượng cán bộ công chức tại xã, phường, thị trấn... bảo đảm không vượt quá tổng biên chế do Hội đồng nhân dân quyết định”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục