Tạo cơ hội công bằng cho tất cả người lao động

09:10' - 06/05/2022
BNEWS Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, thực trạng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn cao, trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu công việc.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động quý I/2022 đã có sự phục hồi tích cực nhờ vào những nỗ lực triển khai các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành, địa phương và chính sách thích ứng linh hoạt, hoàn thiện tiêm vaccine trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 chỉ còn khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,46%.

Bên cạnh đó, quý I/2022 cũng ghi nhận số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước và tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ lệ thiếu việc làm trong 3 tháng đầu năm 2022 là 3,01%, tăng so với cùng kỳ năm trước là 0,81 điểm phần trăm.

Trong khi số người không có việc làm tăng thì nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho biết, họ không thể tuyển được lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực linh, phụ kiện dệt may tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh cho biết, do yêu cầu sản xuất, doanh nghiệp đang muốn tuyển hơn 100 công nhân và nhân viên để phục vụ cho các nhà máy của công ty vừa mở rộng sản xuất, nhưng từ đầu năm đến nay cũng chỉ tuyển được chưa đến một nửa.

"Thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19 đã khiến một số lao động của công ty phải nghỉ làm. Nhưng sau thời gian nghỉ dịch, nhiều nhân viên đã xin nghỉ khi đã tìm được công việc khác phù hợp hơn, khiến doanh nghiệp luôn rơi vào tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có kinh nghiệm, tay nghề và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp", ông Sơn cho hay.

Lý giải nguyên nhân vì sao tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động, ông Phạm Hoài Nam cho rằng, nền kinh tế luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định, tùy theo đặc điểm của thị trường. Đồng thời doanh nghiệp luôn thiếu lao động, nhất là những lao động có tay nghề, có trình độ cao, lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng so với các nước trong khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá chậm. Lao động trong ngành dịch vụ có tính “huyết mạch” của nền kinh tế như: tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức khoảng 0,8% năm 2021.

Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động chất lượng thấp còn chiếm khá cao. Năm 2021, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ ở mức trên 23%; trên 60% việc làm thuộc khu vực nông nghiệp và phi chính thức với năng suất lao động thấp; kỷ luật lao động của người Việt Nam nhìn chung kém, thiếu các kỹ năng mềm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi do, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, dịch COVID-19 tác động đến người lao động theo nhiều hình thức, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu nhập mà còn khiến nhiều lao động thay đổi địa điểm làm việc, chuyển đổi công việc, ngành nghề. Do vậy, trước mắt, để đảm bảo nguồn cung lao động ổn định trở lại, các địa phương cần tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định.

Bên cạnh đó, để tiến tới ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập người lao động, nâng cao đời sống người dân.

Ông Phạm Hoài Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn cung lao động, từ đó, cải thiện năng suất lao động. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp nguồn lao động kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay; đồng thời, thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng và khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, phúc lợi, để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài. Đây là giải pháp thiết yếu, tạo sự cải thiện về chất lượng cuộc sống thực sự cho người lao động.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thể chế về phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực của đất nước. Cụ thể hoá luật pháp, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; lao động tiền lương; thị trường lao động; tuyển dụng công chức.

Cùng với đó, Chính phủ nghiên cứu thành lập Uỷ ban Quốc gia về cải cách và đổi mới giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện thành công chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước; đồng thời, đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phải đi đôi và gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ, với nhu cầu của thị trường lao động.

“Các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, tạo ra một thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng có tính cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, tạo cơ hội công bằng cho tất cả người lao động”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục