Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay

19:38' - 15/03/2023
BNEWS Ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn... tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Chiều ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa) thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

Mới đây nhất, ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).

Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, liên tục hoàn thiện văn bản, hành lang pháp lý cho các hoạt động để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất như chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách phát triển thủy sản, chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao của nông nghiệp sạch công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp sạch…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Trong đó, tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB…) triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại nhà nước đang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 48,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Phương cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% về số lượng, 40% về dư nợ khách hàng doanh nghiệp trong nước, là phân khúc khách hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh được BIDV ưu tiên các nguồn lực, hỗ trợ các giải pháp toàn diện để thúc đẩy và phát triển.

Tuy nhiên thời gian qua, ngân hàng này vẫn đang đối diện với một số thách thức như Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5,5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng ưu tiên. Các ngân hàng thương mại dùng nguồn vốn thương mại từ huy động vốn cá nhân/tổ chức (với mức lãi suất huy động cao) để cho vay, dành nhiều thời gian tác nghiệp cho khoản vay quy mô nhỏ, dẫn tới chi phí đầu vào cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế … nên trong nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định dù tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn ngày càng lớn nhưng vẫn còn có phản ánh doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra là do kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về phía ngành ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Bên cạnh đó, hiện đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Ngoài ra, vấn đề nổi lên là vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của doanh nghiệp nhỏ và vừa, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật xuất khẩu gạo cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương rất rõ ràng, không để các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh, nhưng làm thế nào để nhu cầu của ngân hàng của doanh nghiệp phải gặp nhau.

“Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do đó khi đầu tư cho vay phải tính đến khả năng thu hồi vốn và quản lý tốt được doanh nghiệp vay. Do đó, cái cần tháo gỡ là làm sao để các doanh nghiệp đi vay phải đạt điều kiên của ngân hàng, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất thời vụ”, ông Hoàng Minh Nhật nói.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm điều kiện cho vay xuống thì doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn. Bởi với cơ chế hiện nay, bên cho vay rất muốn cho vay và bên vay cũng rất muốn vay, nhưng không giải quyết được vấn đề.

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.

Trong số đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.

Ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục