Tạo động lực phát triển kinh tế cho người có công với cách mạng

17:07' - 27/07/2019
BNEWS Cuộc sống của những người có công với cách mạng đã được cải thiện nhờ sự sát cánh hỗ trợ của chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình.
Nhiều hộ gia đình ở huyện Bố Trạch được vay vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: TTXVN

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược, mảnh đất Quảng Bình đã trở thành chiến trường ác liệt nhất.

Có lẽ, cũng chính vì thế mà Quảng Bình hiện còn hơn 150.000 đối tượng là thương bệnh binh, người có công với cách mạng.

Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho những người có công được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương chú trọng, đặc biệt là sự sát cánh của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã giúp những người có công vay vốn cải thiện cuộc sống.

Trở về từ chiến trường miền Nam, mang trên mình thương tật 44%, cuộc sống của thương binh hạng III Đặng Ngọc Tiến ở phường Đức Ninh, thành phố Đồng Hới gặp nhiều khó khăn.

Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, không có hệ thống bể chứa nước sạch nên mỗi khi có nhu cầu nước sinh hoạt, vợ chồng đều phải đi xin hàng xóm để dùng, cuộc sống càng trở nên chật vật hơn.

Được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình tư vấn, hỗ trợ cho vay hơn 20 triệu đồng xây dựng hệ thống dẫn nước và các thiết bị phục vụ cấp thoát nước sinh hoạt. Giờ đây, gia đình ông không còn lo cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Ông Tiến chia sẻ, bây giờ chân tay yếu, không thể tự đứng dậy hay di chuyển nữa. Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn trước rồi, không còn phải lo cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt hàng ngày nữa, sức khỏe ông cũng được cải thiện hơn trước.

Cùng với chương trình hỗ trợ vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhằm giúp người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người có công cải thiện cuộc sống, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình còn triển khai có hiệu quả chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giúp người dân, người có công, đối tượng chính sách có động lực vượt khó vươn lên.

Trở về địa phương, với mong muốn thoát nghèo, cựu chiến binh Dương Trung Thanh ( tổ dân phố 5, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới mạnh dạn vay hơn 40 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình.

Cùng với số tiền tích cóp của gia đình, ông đã mở trang trại trên diện tích 1,5ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, ông đã xây dựng được một mô hình vườn - ao - chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cựu chiến binh Dương Trung Thanh chia sẻ, những đồng vốn vay của Ngân hàng tuy nhỏ nhưng đã góp phần giúp gia đình quay vòng phát triển kinh tế trong những thời điểm khó khăn nhất. Trong 5 hồ cá, ông thả kết hợp nhiều loại như: rô phi, tràu, trắm, chim mỗi năm xuất bán khoảng 10 tấn.

Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi khoảng 500 con gia cầm như: gà, vịt, ngan và tận dụng đất quanh hồ để trồng thêm cây ăn quả... 

Từ mô hình trang trại này, mỗi năm, ông thu về khoảng 1,2-1,4 tỷ đồng, trừ chi phí thu về 300-350 triệu đồng và giải quyết việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Tư (Tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới) cho biết, hiện địa phương có hơn 30 người vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, trong số này có 6 trường hợp là thuộc diện thương binh, người có công với cách mạng đều phát huy hiệu quả nguồn vốn. Ưu điểm của nguồn vốn vay này là thời gian vay khá dài, lãi suất thấp.

Tuy nhiên, hiện tại vì phải chia sẻ cho các hộ khác, mỗi hộ chỉ vay được 10-20 triệu đồng, trong khi nhu cầu ít nhất phải được 50-70 triệu đồng.

Không chỉ thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn vay, hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng chính sách Quảng Bình còn chú trọng công tác đến ơn đáp nghĩa, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Ông Nguyễn Hồng Liêm, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay đơn vị đã cho vay hơn 83.000 đối tượng là hộ nghèo, các đối tượng chính sách, với dư nợ khoảng 3.200 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngân hàng đã cho 18.000 đối tượng là hộ nghèo, người có công vay với bình quân khoảng 44 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội đạt gần 3.200 tỷ đồng. Tổng nợ quá hạn ủy thác khoảng 4,4 tỷ đồng chiếm 0,14% tổng dư nợ ủy thác.

Thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp thực thực hiện tốt các kế hoạch mà Trung ương giao, đảm bảo đến tận tay người dân để phát triển sản xuất.

Hiện nay, Ngân hàng đang triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên với các đối tượng là người có công cách mạng.

Trong tổng số 40 tỷ đồng mà Trung ương giao, ngân hàng đã giải ngân xong, trong đó, 1/3 số hộ được vay vốn là người có công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục