Tạo động lực thực hiện cải cách đối với hoạt động đầu tư kinh doanh

21:12' - 20/11/2019
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 20/11, với 90,06% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Về nghỉ lễ, tết, Bộ luật quy định: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đối với vấn đề thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 dự thảo Luật), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Ở góc nhìn khác, một số đại biểu cho rằng, đòi nợ là vấn đề khó trong giao dịch dân sự, hợp đồng kinh tế. Trong thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành, một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực.

Bên đòi nợ tìm mọi cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật, đe dọa, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Nhiều nơi lợi dụng đăng ký dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người; phổ biến là hành vi đe dọa người thân, cha mẹ con nợ.

Chỉ ra thực tế hiện nay, tình trạng mua bán bào thai, sử dụng bóng cười... diễn ra ở nhiều nơi nhưng kết quả xử lý còn hạn chế, một số đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp loại trừ những nguyên nhân phát sinh vi phạm, bổ sung cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; về tiêu chí, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm; về doanh nghiệp nhà nước; trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp; con dấu của doanh nghiệp; cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần; quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp; thực hiện góp vốn thành lập công ty và giấy chứng nhận phần vốn góp; quyền của cổ đông phổ thông; cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ; về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; về phát hành trái phiếu; về thẩm quyền của Giám đốc, Tổng giám đốc; Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện là thành viên Hội đồng quản trị; chuyển doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục