Bên lề Quốc hội: Luật PPP tuy hơi muộn nhưng rất cần thiết

18:14' - 19/11/2019
BNEWS Trong tình hình hiện nay nhất là về đầu tư và liên quan đến ngân sách thì phải có một luật. Chính vì vậy, Luật về PPP tuy hơi muộn nhưng rất kịp thời và cần thiết.

Ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên-Huế) về sự cần thiết ban hành dự thảo luật cũng như những băn khoăn về các nội dung quy định trong dự thảo luật.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Theo đại biểu, cần có sự bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) như thế nào để khắc phục những bất cập hiện nay?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Về dự án đối tác công - tư đã đạt được một số kết quả, nhất là huy động được nguồn vốn khá lớn, nhiều nghìn tỷ đồng và đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực giao thông.

Đây là những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn những hạn chế bởi đa số dự án đều thực hiện chỉ định thầu. Một số dự án suất đầu tư cao, qua kiểm toán có nhiều sai sót trong lập dự toán, định giá hay việc đổi đất lấy hạ tầng thực hiện chưa đủ chặt chẽ.

Đáng lưu ý, trong tình hình hiện nay nhất là về đầu tư và liên quan đến ngân sách thì phải có một luật. Chính vì vậy, Luật về PPP tuy hơi muộn nhưng rất kịp thời và cần thiết.

Qua nghiên cứu, đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này. Theo tôi, 6 nội dung được đưa ra trong luật là những nội dung lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực; trong đó chú trọng vấn đề giao thông.

Tuy nhiên, có một số lĩnh vực phải cẩn trọng như nước sạch, điện. Bởi đây là nguồn năng lượng rất quan trọng.

Quan điểm của tôi là doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân đều hoạt động theo Luật Đầu tư thì đều có quyền như nhau. Khi thực hiện đầu tư,  quá trình xin chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị sẽ tốn chi phí rất lớn. 

Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa ra đấu thầu rộng rãi nhưng nếu nhà đầu tư không trúng thầu thì chi phí bỏ ra không được chi trả. Vì vậy, đây là vấn đề mang lại nhiều rủi ro, nhất là trong tình hình hiện nay.

Đáng lưu ý, một vấn đề nữa là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề mới và tôi nghĩ cần hết sức cẩn trọng vì thường trái phiếu chủ yếu là Nhà nước phát hành. Vì vậy, rất ít trường hợp là tư nhân phát hành trái phiếu vì liên quan tới bảo lãnh ngân hàng, nguồn vốn, rủi ro…

Ví dụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu vào một công trình nào đó như giao thông để thu hồi vốn đầu tư kinh doanh, chuyển giao nhưng lại không thể bảo đảm những rủi ro xảy ra.

Hoặc phát hành trái phiếu với sân bay mà tần suất sân bay không bảo đảm bị lỗ thì ai sẽ đứng ra trả lãi cho những công nhân mua trái phiếu. Do đó, cần tính toán rất kỹ trước khi quyết định đầu tư.

Không những thế, Việt Nam dù rất hấp dẫn nhưng vẫn cần những chính sách rõ ràng, minh bạch, trước sau như một nhằm thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hình thức đối tác công - tư?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Tôi băn khoăn việc Nhà nước chủ trương làm dự án thì đúng rồi nhưng trước mắt cần công khai những nhà đầu tư tham gia bỏ vốn.

Ngoài ra, nếu vẫn tổ chức đấu thầu rộng rãi và doanh nghiệp bỏ vốn ban đầu chuẩn bị đầu tư không trúng thì doanh nghiệp trúng thầu phải trả lại vốn đó.

Mặt khác, tôi cũng đề nghị thu hút hợp tác công tư phải vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng phải bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. 

Phóng viên: Theo đại biểu, dự thảo Luật cần quy định như thế nào để kiểm soát khâu cấp phép đầu tư nhằm lựa chọn được các dự án chất lượng?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa: Quy định cấp phép liên quan đến nhiều luật và khâu chuẩn bị đầu tư ban đầu quan trọng là cơ quan thẩm tra.

Theo tôi, khi kiểm toán ngay từ bước đầu cũng cần thâm nhập hồ sơ. Bởi tại Việt Nam thường khi công trình xong rồi kiểm toán mới vào vì theo quy định công trình dở dang không kiểm toán dẫn tới khó khăn trong việc thu hồi.

Vì vậy, để dự án triển khai hiệu quả thì hơn hết vẫn là công khai, minh bạch và các loại giá cả phải rõ ràng. Bây giờ các doanh nghiệp băn khoăn nhất là giá cả biến động như nhân công, vật liệu và khi đó sẽ dẫn đến công trình bị đội vốn.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục