Tạo lập mô hình phát triển đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

13:43' - 04/04/2018
BNEWS Sáng 4/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, việc tổ chức hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật, nhất là các dự án luật mới, có tính chất chuyên sâu.

Việc lựa chọn hai dự án luật là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng để thảo luận dựa trên kết luận các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiền đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đây là hai dự án luật mới, quan trọng, được các đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tích cực tranh luận, làm rõ những vấn đề có ý kiến khác nhau để tạo sự thống nhất cao khi thông qua hai dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Trong phiên làm việc buổi sáng, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các đại biểu quan tâm đến cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; về ngân sách, ưu đãi đầu tư; về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu…
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sau khi được chỉnh lý gồm 6 chương, 88 điều. Tên gọi của dự thảo Luật được bổ sung cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh là “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”.

Các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung về quy hoạch, các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh… nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới, có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... chính quyền đặc khu cũng đã được tiếp thu trên nguyên tắc bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.
Cân nhắc thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là: việc tổ chức cấp chính quyền địa phương; nên hay không nên có Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu được chỉnh lý đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI) và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặt biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban này không trùng lặp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu. “Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu phải thực hiện, trong đó có việc xin ý kiến Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu về hàng loạt các vấn đề trước khi quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc này sẽ làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc đối với UBND, Chủ tịch UBND đặc khu, vì thế không cần thiết có Ban này.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng không đồng tình với quy định Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu. Đại biểu Lan dẫn chứng, nếu Chủ tịch UBND đặc khu không đồng ý với ý kiến của Ban tư vấn phải giải trình bằng văn bản, nói rõ lý do. Bên cạnh đó, đã có Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng đặc khu, có các cơ quan thực hiện cơ chế giám sát đối với hoạt động của đặc khu, nếu thêm Ban tư vấn này sẽ dẫn đến chồng chéo, thậm chí làm chậm quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu. Việc thành lập một tổ chức mới như Ban tư vấn cũng không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Ở góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lại cho rằng, việc thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu là cách làm mới nhằm giám sát và cân bằng quyền lực khi thẩm quyền trao cho các đặc khu rất lớn. Theo đó, những vấn đề lớn cần xin ý kiến Ban này, tránh tình trạng cứ làm rồi khi xảy ra sai phạm lại đi xử lý cán bộ. “Trong trường hợp UBND không thống nhất với ý kiến của Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển sẽ có văn bản giải trình nhằm đảm bảo sự theo dõi của cơ quan cấp trên, nếu cần thiết thì cấp trên can thiệp trực tiếp để tránh gây hậu quả”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu ý kiến.
Đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước
Về ngân sách đặc khu, Điều 39 dự thảo Luật được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách Nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi; việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu. Tuy nhiên, theo các đại biểu, quy định "tương đương ngân sách cấp huyện" sẽ khó triển khai trong thực tiễn.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ rõ, Luật Ngân sách Nhà nước quy định, ngân sách Nhà nước tương đương cấp huyện sẽ giao việc quyết định mức thu - chi cho cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định việc quyết định mức chi thường xuyên, đầu tư cho khoa học công nghệ lại giao cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Như vậy, “một người quyết định về nguồn, một người quyết định chi sẽ không khớp được bài toán ngân sách Nhà nước.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách sẽ ra sao, khi mà đặc khu tự tính toán mức chi tiêu song bên trên lại giao chỉ tiêu xuống”, đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích và đề nghị cần quy định rõ vấn đề phân bổ, chi tiêu ngân sách trong dự thảo luật, vừa bảo đảm quyền cân đối ngân sách Nhà nước, vừa phát huy quyền của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Về quy định cơ quan chuyên môn của đặc khu, theo dự thảo là không quá 7 cơ quan. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc quy định này chưa cụ thể, không thuyết minh được vì sao lại là 7, và cũng chưa quy định khung đó là cơ quan nào. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, có những nhiệm vụ bao trùm từ Thủ tướng đến các bộ, ngành; có nhiệm vụ của tỉnh, huyện, xã. Nhìn sơ lược, cấp tỉnh có 18 - 19 cơ quan, cấp huyện có hơn chục cấp phòng và đều có chuyên môn sâu tham mưu. Quy mô, thẩm quyền của UBND và Chủ tịch đặc khu rất lớn, do đó cần có quy định khung, lắp ghép cơ quan tham mưu nào vào cơ quan nào.
Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất trí cao với nguyên tắc xây dựng dự án Luật, tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) lưu ý, cần xem xét lại thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm đối với các dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, Điều 53, 54 Hiến pháp năm 2013 đã quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân.

Thể chế hóa quy định này, Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Như vậy, nếu dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm trong trường hợp đặc biệt, thì Hiến pháp và Luật Đất đai lại không quy định trường hợp đặc biệt này. Dự án Luật cũng chưa xác định cụ thể trường hợp nào là đặc biệt; do vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ quy định này đồng thời có đánh giá tác động trong trường hợp áp dụng thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục