Tạo lợi thế thu hút nhà đầu tư

17:35' - 03/02/2025
BNEWS Tiền Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Nằm ở khu vực sông Tiền, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, Tiền Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, địa phương đưa ra nhiều giải pháp "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu thu hút thêm tối thiểu 22 dự án đầu tư mới, tăng 2 dự án so với năm 2024 với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt từ 18.000 tỷ đồng trở lên.

Lãnh đạo tỉnh dự kiến một số dự án trọng điểm được quan tâm xúc tiến, mời gọi đầu tư như: Nhà máy điện gió Tân Thành quy mô 4.700 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Long Bình quy mô 190 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây quy mô 850 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Mỹ Phước I quy mô 736 tỷ đồng,…

Năm 2024, Tiền Giang đã thu hút thêm được 20 dự án đầu tư mới, tăng 3 dự án so với năm trước, tổng vốn đầu tư 8.500 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, thời gian qua, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ và đã mang lại những thành quả tích cực. Lãnh đạo tỉnh cam kết tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư vào làm ăn tại địa phương. Sự thành công của doanh nghiệp khi đầu tư sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Địa phương coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ hành chính công thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: đầu tư, lao động, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan cho các doanh nghiệp, đảm bảo thời gian giải quyết nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi nhất. Tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với thúc đẩy khời nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường rà soát về đất đai, quy hoạch… giúp bảo đảm cho nhà đầu tư có đủ cơ sở pháp lý triển khai dự án ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư. Mục tiêu đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được giải quyết trước hạn và đúng hạn, đáp ứng yêu cầu, phù hợp quy định của pháp luật, được doanh nghiệp hoan nghênh.

Các địa phương trong tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành hữu quan tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng nhằm có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Đồng thời, tích cực hướng dẫn nhà đầu tư những nội dung cụ thể về thủ tục đăng ký đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp trên địa bàn như: Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2, Khu công nghiệp Long Giang…

Đặc biệt, tỉnh quan tâm kiện toàn mạng lưới giao thông thủy bộ phục vụ phát triển tại các vùng kinh tế đô thị trọng điểm: Vùng Trung tâm, Vùng kinh tế - đô thị phía Đông, Vùng kinh tế - đô thị phía Tây và kết nối liên vùng, liên tỉnh.

Giai đoạn 2023 – 2025, Tiền Giang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trong tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư trên 795,5 tỷ đồng; gồm các dự án: Nâng cấp và mở rộng Đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát kết nối vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang và các huyện miền Hạ tỉnh Long An; Dự án cầu Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) bắc qua sông Cửa Trung nối cồn Bà (xã Tân Thạnh) với cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông); Dự án đường giao thông phục vụ phát triển Khu công nghiệp phía Đông Tiền Giang ; Dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 861, 863, 869 kết nối vùng kinh tế - đô thị phía Tây và Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.

Tiền Giang còn phối hợp với tỉnh Đồng Tháp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 2 có tổng mức đầu tư dự án là 7.496 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, các dự án giao thông trọng điểm kể trên sẽ kết nối cùng với tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, góp phần xóa "nút thắt" về hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tỉnh Tiền Giang thêm nhiều cơ hội mới thuận lợi về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, vươn mình cùng cả nước đi lên phồn vinh.

Trước mắt, các chính sách thu hút, mời gọi đầu tư gắn với kiện toàn giao thông thủy bộ thuận tiện giúp Tiền Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn được các nhà đầu tư quan tâm, hiệu quả thu hút đầu tư cao. Theo đó, các khu công nghiệp đang hoạt động trong tỉnh giải quyết công ăn việc làm cho gần 87.000 lao động còn các cụm công nghiệp cũng đã thu hút được trên 14.500 lao động với việc làm và thu nhập ổn định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục