Tạo nguồn nguyên liệu gỗ - Bài cuối: Tính toán đầu tư phù hợp

20:00' - 11/10/2020
BNEWS Các tỉnh, thành khu vực miền Trung đều có “tham vọng” và quyết tâm rất lớn về trồng gỗ lớn FSC, khi xem phát triển rừng loại này là “chìa khóa” để phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.
Mô hình người trồng rừng gỗ lớn liên kết với nhau đang được nhân rộng ở khu vực Trung Trung bộ. Các tỉnh, thành khu vực  này đều có “tham vọng” và quyết tâm rất lớn về trồng gỗ lớn FSC, khi xem phát triển rừng loại này là “chìa khóa” để phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.

*Liên kết, chuyển đổi

Hòa Lộc là tên mô hình hợp tác xã lâm nghiệp bền vững đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện nay, đơn vị này đã có 30 thành viên trồng 840 ha rừng; trong đó, có đến 540 ha rừng gỗ lớn FSC. Ông Hồ Đa Thê - Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vừng Hòa Lộc cho biết, từ sự liên kết với nhau, người dân nhận thấy được lợi ích khi chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Trong chuỗi liên kết, hợp tác xã cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nông dân như cây giống, phân bón, tổ chức khai thác, vận chuyển và sơ chế gỗ, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất dưới tán rừng để "lấy ngắn nuôi dài". Đặc biệt, khi có thành viên cần bán rừng chưa đủ gần 10 năm, hợp tác xã sẽ đứng ra thu mua theo giá thị trường. Sau khi đủ chu kỳ khai thác, nếu hợp tác xã bán có lãi sẽ chia cho chủ rừng đó 50% tiền lãi sau khi đã trừ các chi phí.

Tại Đà Nẵng đã có 45 hộ đăng ký liên kết trồng rừng gỗ lớn và chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với diện tích khoảng 650 ha. Ở Quảng Trị cũng đã có 33 chi hội liên kết trồng 3.200 ha rừng gỗ lớn FSC. Còn tại Thừa Thiên - Huế đã thành lập được 24 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững,  nhằm thúc đẩy liên kết để trồng rừng gỗ lớn.

Theo ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc hình thành các hợp tác xã trong quá trình phát triển trồng rừng gỗ lớn là rất quan trọng, do đảm bảo được cơ sở pháp nhân cũng như diện tích đủ lớn cho việc đánh giá, công nhận theo chứng chỉ FSC. Các hợp tác xã này cũng liên kết để ươm cây giống chất lượng cao, phục vụ cho trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Ngoài việc các hộ trồng rừng gỗ lớn liên kết nhau, còn có mô hình liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp. Tại tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp liên kết với những hộ dân trồng rừng gỗ lớn, để thu mua gỗ cho ổn định, đảm bảo chất lượng để chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ gỗ. Điển hình là Công ty TNHH Hùng Thanh ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) mỗi năm cần lượng lớn gỗ keo để chế biến.

Ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Công ty Hùng Thanh chia sẻ, Công ty thường xuyên thu mua lượng lớn gỗ keo của các hộ dân để chế biến làm ván ép. Do đó, công ty đang tăng cường liên kết với người trồng rừng thông qua việc hỗ trợ cây giống, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc rừng để cho sản lượng và chất lượng gỗ tốt nhất. Ngược lại, các hộ trồng rừng nhận được sự hỗ trợ từ công ty sẽ trồng rừng cho gỗ đảm bảo chất lượng. Qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng các sản phẩm từ gỗ, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản.

Một khó khăn khác với người trồng rừng gỗ lớn là chu kỳ khai thác dài khoảng10 năm, trong khi nguồn vốn vay chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” cũng là giải pháp quan trọng để trồng rừng gỗ lớn hiệu quả.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, mật độ của rừng trồng gỗ nhỏ khoảng gần 2.000 cây/ha. Khi có kế hoạch chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, người dân cần tiến hành đánh giá chất lượng cây rừng sau khi đã được 4 – 5 năm tuổi. Biện pháp kỹ thuật được lựa chọn là tỉa thưa 50% cây rừng để tận dụng gỗ bán lấy tiền nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Khoảng 50% số cây rừng còn lại sau tỉa thưa là những cây có chất lượng gỗ tốt, tiếp tục chăm sóc để phát triển thành rừng gỗ lớn FSC.

Một cách “lấy ngắn nuôi dài” khác cũng đang được nhiều hộ áp dụng có hiệu quả là tổ chức sản xuất ngay dưới tán rừng gỗ lớn. Theo đó, khi cây rừng đạt đến sự phát triển nhất định, chủ rừng có thể nuôi ong, gà, bò dưới tán rừng hoặc có thể trồng xen kẽ cây ba kích, cây quế và một số cây bản địa khác để có thêm thu nhập, trong khoảng thời gian chờ rừng gỗ lớn đủ tuổi cho thu hoạch.

*Lồng ghép các chính sách

Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 60.000 ha rừng gỗ lớn FSC, gấp gần 3 lần so với hiện nay. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, trong lĩnh vực lâm nghiệp tỉnh xác định phát triển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị; từng bước thay đổi toàn diện kết cấu của ngành lâm nghiệp theo hướng hội nhập, phát triển sâu rộng với thị trường quốc tế thông qua phát triển rừng gỗ lớn FSC. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xem xét có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân trồng rừng gỗ lớn.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế có kế hoạch phát triển thêm 9.900 ha rừng gỗ lớn đến năm 2025. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn, để đạt được mục tiêu này, địa phương tập trung ưu tiên lồng ghép các chương trình dự án vào nhiệm vụ phát triển rừng gỗ lớn. Đồng thời, lập quy hoạch quỹ đất trồng rừng sản xuất gỗ lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng sinh thái; quản lý chặt chẽ và ưu tiên lựa chọn các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phù hợp trồng rừng gỗ lớn. Cùng đó, hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung.

Thành phố Đà Nẵng cũng phấn đấu hình thành được vùng nguyên liệu gỗ chất lượng cao từ trồng rừng gỗ lớn với diện tích 1.200 ha. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, địa phương từng bước hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân trồng rừng. Đồng thời hỗ trợ để các hộ dân tham gia chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn chất lượng cao.

Trong 5 năm tới, tỉnh Quảng Nam cũng có kế hoạch phát triển thêm được 30.000 ha rừng gỗ lớn. Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, giải pháp của tỉnh là kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Địa phương cũng đã chủ động và sẵn sàng nguồn cây giống, quỹ đất phục phát triển trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xác định cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu được mục đích của việc trồng rừng gỗ lớn, để người dân tham gia tích cực. Tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương có thêm chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn.

Tại Diễn đàn “Giải pháp phát triển rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức vừa qua ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo, có hai cách trồng rừng gỗ lớn gồm: trồng thưa để cây rừng phát triển nhanh và kết hợp với trồng cây ngắn ngày dưới tán rừng, nhằm tăng giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích; trồng dày đến khi cây rừng đến giai đoạn phát triển nhất định rồi tỉa thưa. Mỗi cách trồng rừng đều có ưu và nhược điểm, do đó người trồng rừng gỗ lớn cần căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn vốn, để tính toán đầu tư trồng rừng cho phù hợp.

Người trồng rừng gỗ lớn phục vụ xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, EU cần lưu ý, phải có chứng chỉ rừng trồng và những tiêu chí khác. Cũng theo ông Kim Văn Tiêu, nhà nước cần tiếp tục đầu tư kinh phí, nghiên cứu, lai tạo các giống cây lâm nghiệp mới đảm bảo cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Muốn vậy, yêu cầu phải có giống phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, kháng bệnh tốt, giá thành hạ, chất lượng gỗ tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục