Tạo sức hấp dẫn mới cho đầu tư vào nông nghiệp

11:42' - 27/09/2021
BNEWS Những năm gần đây số lượng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vào tỉnh Phú thọ ngày càng tăng đã tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là hết sức khó khăn. Để tạo sức hấp dẫn mới, tỉnh Phú Thọ đang hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

* Khai thác lợi thế

Phú Thọ hiện còn trên 297.000 ha đất nông nghiệp nằm trải rộng ở cả khu vực vùng núi, trung du, đồng bằng rất thuận lợi cho phát triển những vùng chuyên canh hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú có thế mạnh như lúa chất lượng cao, chè, bưởi, rau quả, gia cầm, thủy sản, gỗ… Những tiềm năng, lợi thế này ít địa phương nào ở vùng trung du miền núi có được.

Để khai thác những lợi thế, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 110 dự án chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 12,5% tổng số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, với tổng vốn đăng ký 5.755 tỷ đồng; trong đó, có 76 dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ, nông sản; 13 dự án chăn nuôi; 19 dự án lĩnh vực nông nghiệp khác.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư trên địa bàn tỉnh, như: Công ty TNHH DTK đầu tư nhà máy sản xuất trứng gà sạch tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông; Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông; Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ với dự án chăn nuôi gà giống và đẻ trứng thương phẩm tại xã Đồng Lương, Sơn Tình, huyện Cẩm Khê...

Việc liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được triển khai mạnh mẽ như: mô hình liên kết sản xuất rau an toàn, sản xuất cây ăn quả bưởi Diễn, ổi, chanh cung cấp sản phẩm cho Công ty YNHH đầu tư phát triển nông nghiệp VinEco; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 với Công ty cổ phần Vật tư giống công nghệ cao Việt Nam; liên kết sản xuất, thu mua rau củ quả như dưa chuột, dưa bao tử, ớt... với các doanh nghiệp Tân Trường Sơn, Công ty cổ phần Hagimex...

Ngoài việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh còn khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất tập trung như mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, ngô với diện tích hàng nghìn ha ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê; mô hình trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn, ứng dụng tưới tiết kiệm tại các huyện Đoan Hùng, Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba.

Đến nay, tỉnh cũng đã hình thành 430 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao với lớn trên 11.545 ha; hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 3.400 ha/năm; mở rộng 22 chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; hàng trăm trang trại, hợp tác xã  thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai và nghiên cứu dự án đầu tư vào địa bàn.

Đồng thời, tỉnh cũng đã vận dụng tốt các chính sách của Trung ương, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và ban hành một số chính sách mới. Điều này nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Với những kết quả đạt được thu hút đầu tư đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đưa giá trị của ngành tăng thêm lên 4,5%/năm; giá trị sản phẩm bình quân đất canh tác đạt 108 triệu/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/ha.

* Sức hút cho nông nghiệp

Trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn.

Cụ thể là, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Quỹ đất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có những quy hoạch vùng, hoặc liên huyện mang tính dài hạn. Sản xuất quy mô nhỏ lẻ; tâm lý giữ đất của người dân nên rất khó khăn để doanh nghiệp thực hiện thuê đất và tích tụ ruộng đất.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chế biến các sản phẩm nông sản còn thiếu, chưa đồng bộ, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, rủi ro lớn và thời gian thu hồi vốn thường chậm hơn các lĩnh vực khác nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư…

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách tạo sức hấp dẫn mới thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung vào định hướng phát triển ngành nông lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, gắn với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, của huyện. Cùng đó, đánh giá và xác định các loại cây, con mũi nhọn của tỉnh; quy hoạch các vùng sản xuất chuyên; quy hoạch đất lâm nghiệp, tăng diện tích đất rừng sản xuất, rừng trồng cây gỗ lớn. 

Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ dồn đổi ruộng đất, hình thành các ô thửa lớn ở những nơi có điều kiện tạo quỹ đất để hình thành khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản tập trung; tiếp tục sửa đổi bổ sung thêm các nội dung hỗ trợ tỉnh có tiềm năng như trồng dược liệu dưới tán rừng; các loại cây, con đặc sản như cây hồng, cây chuối phấn, gà chín cựa, gà đồi, lợn đen…

Tỉnh cũng sẽ mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách và các cơ chế chính sách để thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án đầu tư đầu tư vào các mặt hàng nông sản chủ lực, có thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế tiếp cận tín dụng như vấn đề thế chấp vay vốn bằng các khoản đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lãi suất thấp, thời gian cho vay kéo dài.

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng các trung tâm hỗ trợ và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc đặt tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp.

Tỉnh tiếp tục nghiên cứu các hình thức sản xuất phù hợp với yêu cầu sản xuất, trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hướng tới tích hợp các hoạt động sơ chế, chế biến nông sản; tập trung sản xuất theo hướng sinh thái hoặc kinh tế tuần hoàn để tăng hiệu quả sản xuất, tăng chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường; hình thành các hợp tác xã chuyên canh cây, con có thế mạnh của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục