Tạo thuận lợi thương mại là đòn bẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu

16:19' - 07/12/2022
BNEWS Cam kết cải cách thương mại sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu khi nền kinh tế toàn cầu đang hồi sinh sau đại dịch COVID-19.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị thương mại do Tổng cục Hải quan Việt Nam và Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/12.

*Chuyển biến tích cực

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong 4 năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Dự án USAID TFP các nhiệm vụ quan trọng về cải cách của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, ngành hải quan đã áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và triển khai chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ. Theo đó, doanh nghiệp tham gia được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí tất cả các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.

Hải quan Việt Nam cũng đã thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên với định hướng tiệm cận Khung tiêu chuẩn an ninh và Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Hải quan Thế giới cũng như thực hiện công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên đối với các nước thành viên ASEAN.

Ngành hải quan cũng triển khai đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa quốc gia, cơ chế Một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trên cơ chế Một cửa quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong những năm gần đây, dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiểu biến động khó lường, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 545,32 tỷ USD, tăng 5,4% với năm 2019, lượng tờ khai được cơ quan hải quan xử lý, thông quan là 13.7 triệu tờ khai.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,8%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Số lượng tờ khai hải quan được xử lý là 14,6 triệu tờ khai trong cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu. Năm 2022, tính đến ngày 15/11/2022, số liệu thống kê sơ bộ về kim ngạch xuất nhập khẩu là 664,7 tỷ USD; trong đó, xuất siêu là 8,66 tỷ USD.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thông tin, quá trình theo dõi cải thách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại của các bộ ngành, nhất là hải quan có thể thấy sự chuyển biến rõ rệt trước và sau năm 2015. Cụ thể, trước năm 2015, tỷ lệ hàng hoá xuất nhập khẩu bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan rất cao và hầu như chưa áp dụng quản lý rủi ro.

Từ năm 2015 đến nay, việc kiểm tra chuyên ngành từng bước được cải thiện thông qua cắt giảm danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành hoặc chuyển từ từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

 

Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, hơn 70 văn bản về quản lý chuyên ngành được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung; trong đó, bãi bỏ khoảng 40 văn bản. Ngoài ra, hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật về thương mại cũng được ban hành.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung dẫn kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ tuân thủ các thủ tục đều đã cải thiện đáng kể so với năm 2015. Doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn do quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi. Chất lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành cải thiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những cải cách đó đã trực tiếp rút ngắn đáng kể thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho rằng, cam kết cải cách về tạo thuận lợi thương mại của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả cụ thể. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024. Những nỗ lực chung của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi thương mại đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

 

*Vẫn còn dư địa cải thiện

Ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi chính là “đòn bẩy” tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Mặc dù những cải cách đã phát huy hiệu quả nhưng hệ thống thủ tục thương mại của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa có thể cải thiện. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, ổn định, cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp các chuẩn mực quốc tế, đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là những mục tiêu cải cách trọng yếu mà cơ quan hải quan cần nỗ lực hoàn thành sớm, tạo tiền đề pháp lý cho các hoạt động hiện đại hóa và cải cách hải quan.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030. Và thực tế, những năm gần đây cho thấy chỉ cần 11 tháng của năm sau sẽ đạt được giá trị xuất nhập khẩu của cả năm trước đó và mục tiêu thương mại năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là những con số thể hiện xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại mạnh mẽ và quan hệ giao lưu kinh tế giữa các nước ngày càng phát triển.

Theo ông Mai Xuân Thành, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ của xu hướng tiêu dùng, quảng bá sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng do ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự bùng nổ của thương mại điện tử quốc tế cũng đòi hỏi cơ quan hải quan phải có chính sách quản lý phù hợp, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo sự công bằng, thuận lợi, nhưng cũng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận thương mại.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều năm qua Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp là đối tác, đồng hành cùng phát triển; thực hiện thí điểm quy chế phối hợp hải quan với các hiệp hội ngành hàng, đại lý hải quan thực hiện các hướng dẫn, tập huấn, trao đổi giải quyết các khó khăn trong thủ tục xuất nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, chủ trương tạo thuận lợi thương mại nghe thì dễ nhưng để triển khai trong thực tế thì rất khó vì các bộ ngành là đơn vị ban hành chính sách còn hải quan chỉ là đơn vị thực thi chính sách. Cục Hải quan đã chủ động hiện đại hoá, đơn giản hoá quy trình làm việc nhưng vì có rất nhiều quy định, quy chế rằng buộc. Làm thế nào để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật là bài toán khó cần sự phối hợp, đồng hành của tất cả các bên.

“Các bộ, ngành tích cực rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các quy định chồng chéo giữa các bộ, ngành và trong từng bộ ngành. Các cơ quan/ đơn vị kiểm tra chuyên ngành của các bộ cần có cơ chế để giải quyết các vướng mắc phát sinh nhanh chóng, tránh kéo dài thời gian, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là hai lĩnh vực y tế và nông nghiệp hiện đang có nhiều quy định kiểm tra chuyên nhành nhất hiện nay. Song song đó, cơ quan hải quan địa phương cần nâng cao năng lực thực thi, đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính, không bãi bỏ các quy định cần thiết nhưng cần đơn giản hoá, số hoá để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát. Về phía doanh nghiệp cũng phải tích cực phối hợp, hợp tác với các cơ quan thực thi mới làm tốt việc tạo thuận lợi thương mại.”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp nêu kiến nghị ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục