Tập đoàn CIP khánh thành trang trại điện gió ngoài khơi thứ hai tại Châu Á

17:46' - 10/09/2024
BNEWS CIP cũng đã gia nhập thị trường từ đầu năm 2019 và hiện đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3,5 GW tại ngoài khơi tỉnh Bình Thuận.

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) vừa chính thức khánh thành trang trại điện gió ngoài khơi Zhong Neng với tổng công suất 300 MW. Dự án được triển khai bởi liên doanh giữa Tập đoàn CIP (Đan Mạch) và CSC, một doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) đồng thời là nhà sản xuất thép lớn nhất tại đây.  

 

Dự án Zhong Neng bao gồm 31 tuabin, trong đó các tuabin đầu tiên được lắp đặt vào tháng 5 năm 2024. Dự án dự kiến hoàn thiện ​​kết nối lưới điện vào cuối năm nay. Khi hoạt động hết công suất, dự án Zhong Neng sẽ cung cấp năng lượng sạch cho khoảng 300.000 hộ gia đình và hỗ trợ giảm lượng phát thải carbon khoảng 550.000 tấn mỗi năm.

Zhong Neng là trang trại điện gió ngoài khơi hoàn thành trước thời hạn và đáp ứng các yêu cầu nội địa hóa cao. Đây cũng là trang trại điện gió ngoài khơi thứ hai của Tập đoàn CIP được hoàn thành tại Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2024, sau khi dự án Changfang-Xidao công suất 600 MW được khánh thành vào tháng 5/2024.

Tại Việt Nam, CIP cũng đã gia nhập thị trường từ đầu năm 2019 và hiện đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3,5 GW tại ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, và một số dự án điện gió ngoài khơi đang trong giai đoạn phát triển ban đầu khác có tổng công suất trên 10 GW.

Vào tháng 3/2024, CIP đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). 

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) hiện là nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo lớn trên thế giới, đồng thời là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn.

Cụ thể, CIP đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, truyền tải và phân phối nguồn điện, nguồn điện dự trữ, điện tích năng, điện nhiên liệu sinh học tiên tiến và công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Amoniac, Hydro xanh...).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục