BNEWS
Doanh thu bán hạt giống bông biến đổi gien của Tập đoàn Monsanto sụt giảm mạnh trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ tích cực khuyến khích phát triển hạt giống bông trong nước.
Giống mới do Viện Nghiên cứu Bông Trung ương Ấn Độ liệu có thể lấn át sản phẩm của Monsanto khi mà loại giống của Tập đoàn giống cây trồng lớn nhất thế giới này đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc bông của thế giới.
Trong một ngôi làng nhỏ ở trung tâm khu vực trồng bông miền Bắc Ấn Độ, anh Ramandeep Mann đã trồng hạt bông biến đổi gien từ chục năm nay, song mọi việc đã thay đổi sau đợt bọ phấn trắng tàn phá cây bông năm ngoái.
Trang trại 25 mẫu Anh (hơn 10 ha) của anh Mann ở hạt Bhatinda, bang Punjab, đang trở thành niềm tự hào của địa phương khi vụ bông hứa hẹn cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh và giảm chi phí sản xuất.
Hàng nghìn người trồng bông trên khắp miền Bắc Ấn Độ, khu vực sản xuất bông nhiều nhất thế giới và và xuất khẩu sợi bông nhiều thứ hai thế giới, đã chuyển sang dùng hạt giống bông mới của địa phương mình. Đây là một cú đánh khá mạnh vào Tập đoàn giống Monsanto lớn nhất thế giới tại thị trường bông lớn thứ hai thế giới ngoài Mỹ.
Chính phủ Ấn Độ đang rất tích cực khuyến khích phát triển hạt giống bông trong nước, giúp giảm chi phí mua hạt giống bên ngoài. Ủy viên ngành dệt Ấn Độ Kavita Gupta cho biết mặc dù bọ phấn trắng tấn công cây trồng, song nông dân Ấn Độ vẫn chọn trồng bông, chỉ có điều họ chuyển sang dùng hạt giống địa phương.
Thống kê chính thức cho thấy hạt giống bông mới đã được gieo trồng trên diện tích 72.280 ha ở miền Bắc Ấn Độ, tăng mạnh so với mức khoảng 3.000 ha năm ngoái. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng diện tích trồng bông tại Ấn Độ.
Hầu hết nông dân tại các bang Gujarat và Maharashtra vẫn gắn bó với hạt giống bông biến đổi gien của Monsanto – loại giống đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc bông của thế giới.
Sự phá hoại của bọ phấn trắng – một loại thiên địch hoành hành trong mùa khô – có thể không phải là vấn đề lớn trong năm nay vì mùa mưa dự báo kéo dài và có lượng mưa đủ lớn.
Tuy nhiên, sự xuất hiện và phát triển của hạt giống mới cũng làm Monsanto thiệt hại, vì tính chung diện tích trồng bông tại Ấn Độ cũng giảm khoảng 10% khi người nông dân chuyển một phần đất sang trồng đậu lăng sau dịch bọ phấn trắng.
Kalyan Goswami, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giống Quốc gia Ấn Độ, cho biết doanh số bán hạt giống bông của Monsanto (hạt Bt) tại nước này giảm 15% năm 2016.
Năm ngoái, Monsanto đã bán khoảng 41 triệu túi hạt Bt, nhưng theo như tính toán của Reuters, doanh thu năm nay của Monsanto sẽ giảm 5 tỷ rupees (75 triệu USD) do lượng hạt Bt bán ra giảm trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang khuyến khích nông dân sử dụng hạt giống địa phương.
Sau dịch bọ phấn trắng, Mahyco Monsanto Biotech - liên doanh giữa Công ty Mahyco của Ấn Độ và Monsanto - cho biết họ đang tiếp thị hạt giống có thể kháng sâu bướm ăn bông cũng như một số thiên địch khác.
Trong khi đó, một số chuyên gia lạc quan rằng hạt giống mới do Viện Nghiên cứu Bông Trung ương Ấn Độ (CICR) phát triển sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Lúc đó, nông dân sẽ từ bỏ hạt Bt để chuyển sang hạt giống địa phương này.
Chi phí hạt giống bông địa phương để trồng trên 1 ha chưa bằng một nửa mức tương ứng 80.000 rupee (66,75 rupee = 1 USD) nông dân phải chi để mua hạt Bt, trong khi hạt giống bông của Ấn Độ cho năng suất cao hơn. Không như hạt Bt, hạt giống bông Ấn Độ có thể dự trữ và đem ra trồng trong vụ tiếp theo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về giống mới. Họ cho rằng kết quả ban đầu khá khả quan, song cần có thêm thời gian thực nghiệm.