Tập trung nguồn lực cho các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1

21:17' - 25/09/2021
BNEWS Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Nguyễn Tuấn Tùng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, đảm bảo tiến độ các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

"Tập trung nguồn lực, đảm bảo tiến độ các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1" là yêu cầu của ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong cuộc họp tại Khánh Hòa ngày 25/9, về tình hình triển khai các dự án giải tỏa công suất nhà máy này.

*Chậm tiến độ

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, trong 3 dự án của cụm dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có 2 dự án là: trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối; đường dây 500 kV đấu nối trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV nhiệt điện Vân Phong - nhiệt điện Vĩnh Tân, tuy vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhưng cơ bản đáp ứng tiến độ đặt ra.

Khó khăn nhất của cụm dự án này là đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân. Hiện nay, tại tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn các huyện Diên Khánh, Cam Lâm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay, mới triển khai thực hiện kê kiểm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các vị trí móng và hành lang tuyến.

Tuy nhiên, tại huyện Cam Lâm, tiến độ kê kiểm chậm so với kế hoạch. Thành phố Cam Ranh mới kê kiểm phần móng trụ, chưa kê kiểm hành lang. Về giá đất cụ thể, UBND huyện Cam Lâm chưa trình để các Sở ngành thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, CPMB đã hoàn thiện báo cáo kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ, đường tạm thi công và đã trình thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn.

Tại tỉnh Ninh Thuận, việc kiểm kê đất đai, tài sản, cây cối hoa màu của các hộ dân bị ảnh hưởng phần móng trụ, hành lang tuyến tại các địa phương cơ bản đã hoàn thành.

CPMB và Trung tâm phát triển quỹ đất đang thu tập các giấy tờ từ các hộ dân để hoàn thiện hồ sơ gửi UBND các xã triển khai xác nhận nguồn gốc đất. Nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên việc đi lại thu thập các giấy tờ liên quan và tổ chức họp xét đến nay triển khai rất chậm.

Hiện nay, số hộ dân còn lại chưa kiểm kê được chủ yếu có đất, tài sản bi ảnh hưởng bởi hành lang an toàn với nguyên nhân chính, người dân ngoài địa phương, làm ăn xa và không thống nhất mức giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với 41 vị trí, CPMB đã hoàn thiện báo cáo kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ, đường tạm thi công và đã trình thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn.

Ngày 22/9/2021, CPMB trình Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đề nghị xin chủ trương chuyển đổi đất rừng. Hiện nay, Sở này đang hoàn thiện thủ tục để tổ chức họp thẩm định và hoàn thiện thủ tục trình cấp thẩm quyền trước 30/9/2021.

Về tổ chức thi công, CPMB đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và 4 Ban Tiền phương tại công trường; Đã làm thủ tục đăng ký với địa phương để triển khai trong thời điểm còn dịch bệnh đối với tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa. Đồng thời, CPMB đã triển khai làm thủ tục cho các đơn vị tư vấn giám sát, thi công các gói thầu số 5, 6, 9 và 10.

Theo đánh giá của CPMB, do ảnh hưởng bởi COVID-19 và vướng mắc trong mặt bằng nên các mục tiêu thi công đều chậm 3 tháng so với kế hoạch điều hành đã lập thời điểm cuối năm 2020. CPMB đã lập lại tiến độ báo cáo EVN/EVNNPT trên cơ sở đã và sẽ thương thảo với các nhà thầu/các mốc giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ 31/12/2022.

*Dành nguồn lực tốt nhất cho dự án

Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV EVNNPT –Nguyễn Tuấn Tùng ghi nhận những nỗ lực của CPMB, các Ban tham mưu của Tổng công ty và các đơn vị nhà thầu tham gia dự án đã quyết liệt, rốt ráo để dự án đạt được tiến độ đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, công việc vẫn còn rất nhiều, tiến độ thi công rất gấp, trong khi đó, nhiều lý do khách quan tác động đến dự án như dịch COVID-19 vẫn phức tạp, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng vẫn chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Tuấn Tùng yêu cầu mỗi cán bộ công nhân viên của EVNNPT/CPMB tham gia dự án phải nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong dự án này để triển khai công việc nhanh chóng hơn nữa. Tổng công ty dành nguồn lực tốt nhất để thúc đẩy tiến độ dự án.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng yêu cầu Ban Điều hành, Ban Tiền phương phối hợp với đơn vị xây lắp bố trí và tăng cường cán bộ có năng lực, trách nhiệm thường xuyên bám sát hiện trường.

Ban Điều hành, Ban Tiền phương phối hợp với đơn vị xây lắp, địa phương kê kiểm, lập, trình và đôn đốc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ đó, trả tiền cho chủ tài sản, đảm bảo bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch để nhà thầu thi công theo các mốc tiến độ đặt ra.

Nhà thầu Tư vấn giám sát bố trí đủ quân số để giám sát và nghiệm thu chuyển bước thi công, đảm bảo tiến độ thi công của các nhà thầu xây lắp; đôn đốc, kiểm tra tiến độ thi công các nhà thầu theo cam kết, kịp thời báo cáo CPMB, Ban Điều hành để phối hợp chỉ đạo.

Cùng đó, cử cán bộ giám sát tác giả có mặt thường xuyên tại hiện trường để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ thi công của nhà thầu.   

Các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhà thầu cung cấp đúng với tiến độ trong hợp đồng đã ký kết. Các nhà thầu thi công xây lắp bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường, tranh thủ thời tiết, chủ động cùng CPMB, chính quyền địa phương các cấp trong bồi thường giải phóng mặt bằng; kịp thời phản ánh những vướng mắc khó khăn để các bên cùng tham gia tháo gỡ.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng cũng yêu cầu EVNNPT/CPMB hàng tuần tổ chức kiểm điểm tiến độ các dự án này tại các cuộc họp giao ban để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Đối với các công việc liên quan đến cụm Vân Phong, EVNNPT quán triệt chỉ đạo ưu tiên xử lý trong ngày.

Cùng với đó, ứng dụng tối đa các công cụ về công nghệ thông tin để phục vụ quản lý, điều hành của Tổng công ty và các đơn vị như: xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm E-Office/D-Office; đẩy mạnh quản lý tiến độ, tiến độ dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng, lập tổng tiến độ trên phần mềm từ đó xác định các đường găng để tập trung điều hành.

Ngoài ra, thống nhất có một báo cáo chung về tiến độ của dự án để gửi các cấp, ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục