Tây Ninh ưu tiên 614 tỷ đồng xây dựng điểm nông thôn mới nâng cao

08:10' - 04/12/2021
BNEWS Năm 2022, Tây Ninh có kế hoạch phân bổ vốn trên 614 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, năm 2022, tỉnh có kế hoạch phân bổ vốn trên 614 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 của Tây Ninh; trong đó, ưu tiên vốn cho nhiều địa phương xây dựng xã điểm nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao.

Cụ thể, Tây Ninh phân bổ 446 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng 8 xã điểm nông thôn mới, gồm: 6 xã đầu tư mới của năm 2022, với định mức phân bổ 65 tỷ đồng/xã và 2 xã chuyển tiếp từ năm 2021 sang năm 2022 thuộc thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.

Ngoài ra, huyện Gò Dầu còn được phân bổ thêm 15 tỷ đồng để xây dựng huyện nông thôn mới.

Đối với huyện Bến Cầu, Tây Ninh có kế hoạch phân bổ hơn 90 tỷ đồng, gồm: 65 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2022 với xã Long Giang và trên 25 tỷ đồng nguồn vốn hoàn lại từ huyện Gò Dầu để tiếp tục đầu tư nâng cao các tiêu chí của các xã còn lại.

Cũng theo Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, tổng số vốn đầu tư cho 9 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao trên 125 tỷ đồng, gồm: 8 xã năm 2022 và 1 xã chuyển tiếp từ năm 2021 sang năm 2022 của huyện Bến Cầu, với định mức phân bổ 15 tỷ đồng/xã.

Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu được phân bổ số tiền trên 28 tỷ đồng, với định mức phân bổ trên 14 tỷ đồng/xã.

Đại diện Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh khẳng định, việc phân bổ kế hoạch vốn của tỉnh để hỗ trợ chương trình mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công của tỉnh năm 2022 và Quyết định 1773/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có) và bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022 để phát huy hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 để sớm đưa công trình vào sử dụng.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, tỉnh mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; trong đó ưu tiên cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư và được chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục