Techcombank kinh doanh quý I vượt kế hoạch, phát tín hiệu sớm chia cổ tức

15:27' - 22/04/2023
BNEWS Theo Techcombank, 2023 có thể là năm cuối cùng sau hơn 10 năm ngân hàng này không chia cổ tức. Hiện Techcombank đang xem xét phương án để vừa đảm bảo hoạt động, vừa gia tăng quyền lợi của cổ đông.
"Năm nay có thể là năm cuối cùng không chia cổ tức. Techcombank đang xem xét các phương án để vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng, vừa gia tăng quyền lợi của cổ đông".

Đây là thông tin được ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra hôm nay 22/4.

Theo đó, đã hơn 10 năm Techcombank chưa chia cổ tức, cổ đông vì thế cũng liên tục chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng về việc này trong nhiều kỳ đại hội.

Trả lời cổ đông năm nay, ông Hồ Hùng Anh cho biết: "Techcombank từng thực hiện việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sau khi IPO (phát hành lần đầu ra công chúng), lần gần nhất vào năm 2018. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc chia cổ tức chỉ nên thực hiện khi bắt buộc phải cải thiện các chỉ số đảm bảo hoạt động kinh doanh".

Techombank đã trích lập vào quỹ bổ sung vốn điều lệ, chuẩn bị cho việc chia cổ tức trong thời gian tới và việc chia cổ tức tiền mặt cũng là một trong những nhu cầu của cổ đông. Hiện tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Techcombank vào khoảng 20%, vốn đầu tư để lại có lợi nhuận như vậy là tốt cho các cổ đông. Chia cổ tức tiền mặt cũng là một nhu cầu.

Nói thêm về cổ phiếu TCB, Chủ tịch Techcombank cho rằng giá cổ phiếu là vấn đề rất đáng quan tâm nhưng điều ông quan tâm nhiều hơn chính là giá trị của tổ chức.

"Tôi tin rằng giá trị của Techcombank có thể tăng gấp 5 gấp 10 bây giờ. Đầu tư ngắn hạn để mua bán thu lời không phải sở trường của tôi”, ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh.

Về việc mua lại cổ phiếu quỹ, Techcombank chưa đưa kế hoạch này ra trình cổ đông tại đại hội năm nay mà sẽ đợi những thông tư hướng dẫn chính thức từ cơ quan quản lý với mong muốn mang lại quyền lợi lớn nhất cho cổ đông nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Theo tài liệu trình cổ đông, Techcombank không có kế hoạch chia cổ tức năm 2022 và dành gần 23.539 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của ngân hàng là gần 17.907 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỷ đồng.

Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của đại hội đồng cổ đông vào thời điểm thích hợp. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.538 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Techcombank đưa ra những mục tiêu khá thận trọng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến giảm 14% so với năm 2022, xuống còn 22.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng ở mức 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước cấp; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.

Nói về con số 22.000 tỷ đồng, ông Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng có nhiều phương án lợi nhuận có thể là 28.000 tỷ đồng hoặc 22.000 tỷ đồng. Nhưng với kinh nghiệm ứng phó với những đợt khủng hoảng trong quá khứ, Techcombank chọn phương án thận trọng nhất để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

"Các chỉ tiêu kinh doanh quý I/2023 đang vượt kế hoạch dù chỉ tiêu cả năm khá khiêm tốn", lãnh đạo Techcombank cập nhật.

Ngoài ra, năm 2023 Techcombank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Dự kiến sẽ có gần 5,3 triệu cổ phiếu ESOP được phát hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ sau khi phát hành của Techcombank sẽ tăng từ hơn 35.172 tỷ đồng lên hơn 35.225 tỷ đồng.

Theo tờ trình, đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đổi về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Techcombank. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.

Cũng tại đại hội, Techcombank trình cổ đông thông qua kế hoạch mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên trên 94%.

Techcombank dự kiến rót hơn 10.241 tỷ đồng vào TCBS với giá mua mỗi cổ phần là 97.542 đồng. Mức giá này cao hơn công bố trước đó là 95.600 đồng/cổ phiếu tương đương tổng số tiền là 10.038 tỷ đồng.

Sau đầu tư, tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại TCBS sẽ tăng từ 88,8% lên 94,22% với gần 205 triệu cổ phần nắm giữ.

Tuy nhiên, có ý kiến cổ đông lo rằng việc mua lại TCBS không hợp pháp vì chỉ bán cổ phiếu cho duy nhất 1 cổ đông và kết quả kinh doanh của TCBS đang kém lạc quan.

Trước lo lắng này, Chủ tịch Techcombank chia sẻ: "Dù trong năm 2022-2023, thị trường chứng khoán có nhiều biến động nhưng tôi tin rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi lại. TCBS có nhiều ưu thế, là đơn vị dẫn đầu về tư vấn trái phiếu cũng tư như tư vấn phát hành, nên việc tập trung thế mạnh là điều phù hợp.

"Việc thực hiện phương án phát hành sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước", ông Hùng Anh khẳng định.

Trước đó, chia sẻ về hoạt động kinh doanh năm 2022, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết các tác động của kinh tế toàn cầu và trong nước đã tác động đáng kể tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản Techcombank đạt 699.033 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2021; tổng huy động bao gồm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân tăng 12,8%, đạt 374.630 tỷ đồng; số dư tín dụng tăng 14,5%, đạt 444.606 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm của Techcombank đạt 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt khoảng 15,2%. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 0,72%, tăng 6,1 điểm % so với năm 2021.

Việc Moody's hạ bậc tín nhiệm của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3, theo ông Jens Lottner, không có nghĩa ngân hàng kém đi mà chỉ phản ánh tác động của thị trường lên hoạt động của Techcombank và khẳng định đánh giá này không có bất kỳ rủi ro hay ảnh hưởng nào đến hoạt động của Techcombank.

"Moody’s nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều khó khăn thời gian qua, trong khi Techcombank là ngân hàng cho vay bất động sản cao. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến đơn vị này hạ bậc tín nhiệm đối với Techcombank", ông Jens Lottner nhận định.

Giá trị cổ phiếu TCB trong vòng 1 tháng qua đã tăng 9,54%, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4 ở mức 28.700 đồng/cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục