Tết cổ truyền: Kết nối những tâm hồn đất Việt

10:29' - 04/02/2019
BNEWS Phong tục ngày Tết ở Việt Nam vừa có sự sum vầy của gia đình, kết nối tình cảm giữa những người trong họ hàng, vừa có không khí cộng đồng giúp mọi người vui vẻ, đoàn kết.
Người dân, du khách tham quan vui chơi chụp ảnh tại khu vực công viên bờ Đông cầu Rồng (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Phong tục đón Tết cổ truyền được nhiều thế hệ người Việt lưu truyền, gìn giữ là một nét đẹp văn hóa khiến nhiều người nước ngoài đã từng được trải nghiệm luôn mong được thêm một lần đắm chìm trong không gian Tết Việt, trở thành yếu tố kết nối những người đã nặng lòng với con người Việt, yêu đất nước Việt Nam.

* Tết Việt trong mắt chàng rể ngoại quốc

Cũng như năm trước, những ngày cận Tết năm nay, ông Sunil Aswani, 55 tuổi, người Ấn Độ, hiện ở Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh luôn cố gắng đi làm về sớm hơn lệ thường để dành thời gian cùng người vợ Việt là chị Tường Hoan đi mua sắm chuẩn bị cho những ngày Tết. Đã từng sống ở Việt Nam gần 10 năm, giờ đây, ông Sunil Aswani coi Tết Việt của quê hương vợ như một phần cuộc sống của mình.

Ông còn "giành" lấy việc chọn, mua hoa, cây cảnh bày Tết; dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa trong những ngày giáp Tết. “Tôi đã chuẩn bị sẵn bao lì xì chúc may mắn và cả những lời chúc Tết cho mọi người trong gia đình. Mùng 1 Tết, tôi sẽ cùng vợ đi chùa Bửu Long (Quận 9) để cầu một năm mới may mắn.

Ngày cuối năm, tôi và vợ sẽ đi chùa Giác Nguyên gần nhà để thắp hương cho bố cô ấy và sau đó về ăn bữa cơm cuối năm cùng mọi người trong gia đình”, ông Sunil Aswani chia sẻ.

Ông Sunil Aswani cho biết: Ấn Độ cũng có Tết cổ truyền nhưng mang tính lễ nhiều hơn hội. Trong khi đó, Tết ở Việt Nam, lễ - hội đan xen, đậm màu sắc truyền thống dân tộc.

Với những người nước ngoài như ông, trải nghiệm không khí Tết Việt đã giúp ông hiểu hơn phong tục Việt, hiểu hơn về cuộc sống tinh thần của người dân Việt Nam, giúp cuộc sống gia đình ông thêm gắn bó, nồng thắm.

Cũng là một chàng rể Việt, nhưng do không sống ở Việt Nam, ông Julian Abrams, 60 tuổi, người Anh lại không có điều kiện để được ăn Tết cổ truyền ở quê vợ đều đặn mỗi năm. Năm nay, ông cố gắng thu xếp để cùng vợ trở về Việt Nam đón Tết.

Ông cho biết: “Tôi đã làm rể Việt hơn 20 năm, do làm việc ở xa nên mới chỉ đón Tết Việt tại Việt Nam được một vài lần. Dù vậy, tôi cũng rất hiểu giá trị của ngày Tết đối với người Việt Nam và dù không ở Việt Nam, những ngày Tết vẫn luôn là một ngày lễ trong gia đình tôi. Tôi ủng hộ vợ tôi luôn giữ những phong tục truyền thống trong dịp Tết như mọi người cùng dọn dẹp nhà cửa, sum vầy trong bữa cơm ngày Tết; dành cho nhau những lời chúc may mắn đầu năm; chia sẻ những mong muốn và hy vọng trong một năm mới… Các con tôi hiểu và rất háo hức đón chờ Tết để không chỉ được người lớn tặng quà mà còn là cơ hội để chúng tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam về đất nước quê hương của mẹ”.

Tiểu cảnh cầu Vàng được sắp đặt tại khu vực Công viên bờ Đông cầu Rồng (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ông Julian Abrams nhận xét, so với người Anh, phong tục đón năm mới của người Việt có nhiều yếu tố khác lạ, phong phú hơn, mang tính tâm linh và lễ hội nhiều hơn.

Phong tục ngày Tết ở Việt Nam vừa có sự sum vầy của gia đình, kết nối tình cảm giữa những người trong họ hàng, vừa có không khí cộng đồng giúp mọi người vui vẻ, đoàn kết.

So với ở Anh, ngày Tết ở Việt Nam cũng nhiều có nhiều màu sắc, đường phố được trang hoàng lộng lẫy và thời tiết cũng ấm áp hơn.

Nhưng cái khác nhất so với tục đón năm mới của người Anh là Tết Việt kéo dài hơi lâu và trong ngày Tết ở vùng quê vẫn còn có những trò chơi "ăn" tiền.

* Kết nối triệu trái tim

Không có được sự kết nối với người Việt sâu đậm như ông Julian Abrams hay ông Sunil Aswani, anh Robi Pawelek- một nhà báo Ba Lan lại có cái nhìn về Tết Việt dưới con mắt của một người đã đi nhiều nơi, trải nghiệm qua nhiều vùng văn hóa.

Do điều kiện làm việc, anh có cơ hội đến nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều lễ hội của các dân tộc, nhưng Tết Việt vẫn là một trong những trải nghiệm thú vị và khó quên nhất của anh.

Anh Robi Pawelek thực sự bất ngờ trước sự sôi động của cuộc sống người dân Việt Nam dù ở thành phố hay vùng nông thôn trong những ngày đón Tết. Không khí náo nức, hồ hởi đón Tết của người dân hiển hiện trên mỗi gương mặt, căn nhà, con đường...

Được dự bữa ăn Tết cuối năm cùng gia đình một người bạn Việt, anh Robi Pawelek đã có được những chiêm nghiệm quý báu về phong tục thể hiện sự kết nối, sum vầy tình cảm ruột thịt giữa các thế hệ trong mỗi gia đình và sự trân trọng đối của mỗi người Việt đối với tổ tiên, với truyền thống của dân tộc.

“ Cùng với xu thế, người Việt Nam cởi mở với thế giới, nhưng vẫn gìn giữ được những giá trị truyền thống lâu đời rất đáng quý, vun đắp cho một nền văn hóa đa dạng và phong phú của dân tộc Việt”, anh Robi Pawelek nhận xét.

Hoa xuân ngập tràn thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) dọc theo Kênh xáng Xà No. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Xúng xính trong bộ áo dài đỏ, Ý Trang, 23 tuổi, nữ sinh viên ở Pháp cho biết, Trang rất xúc động và hào hứng vì đây là lần đầu tiên về ăn Tết ở quê ngoại.

Trang cũng đã biết nhiều về phong tục đón Tết Việt vì những năm trước, vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam đều được bà, mẹ đưa đi chùa, tham dự các chương trình đón Tết của cộng đồng người Việt Nam tại Paris.

Tuy nhiên, được sống trong không khí đón Tết tại Việt Nam mang lại cho Ý Trang những cảm xúc choáng ngợp vì được đắm chìm trong không gian văn hóa vừa linh thiêng, vừa ấm áp, mang lại cho cô cảm giác đầm ấm của người con đi xa trở về gia đình.

Ý Trang đặc biệt ấn tượng với không khí những ngày cuối năm hối hả đón Tết của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, thích sự lộng lẫy của đường hoa Nguyễn Huệ và sự ân cần, ấm cúng của chương trình đón mừng Xuân Kỷ Hợi mà Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho kiều bào về quê ăn Tết.

Khoe chữ “Phúc” vừa xin được ở phố ông Đồ, Ý Trang xúc động cho biết: “ Tôi đã được nghe, nhưng đến năm nay mới được đi xin chữ đầu Xuân. Tôi xin chữ này vì năm nay tôi sẽ tốt nghiệp đại học và mong muốn gia đình tôi hạnh phúc. Tôi sẽ học thêm về tiếng Việt để sau này có thể về làm việc tại Việt Nam, đem những kiến thức xây dựng cầu đường của mình áp dụng trên đất Việt vì tôi yêu con người Việt Nam, phong tục Việt Nam và vì trong tôi có một dòng máu Việt đang chảy”.

Trong sự giao thoa văn hóa của thời hội nhập, Tết Việt không chỉ là một tục lệ thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn và tình cảm của mỗi người dân Việt Nam mà còn mang lại những trải nghiệm thú vị về một nền văn hóa đa dạng, truyền thống, sự đồng cảm, kết nối giữa người dân Việt của những người nước ngoài.

Xuân về, Tết đến là lúc mọi người con đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu hướng về cội nguồn, về quê hương và cũng là lúc đất Việt mở rộng vòng tay đón những tấm lòng thân thiện, yêu thương của bạn bè quốc tế, nhất là những người yêu người Việt, yêu đất Việt.

Đó cũng là ý nghĩa nhân văn cao cả, đầy giá trị cuộc sống của phong tục Tết cổ truyền của dân tộc Việt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục