Tết Nhâm Dần 2022: Không để ai bị bỏ lại phía sau

11:30' - 01/02/2022
BNEWS Năm 2021, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực, vùng miền, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là người nghèo lại càng nghèo hơn.

Năm 2021, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực, vùng miền, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là người nghèo lại càng nghèo hơn. Tết Cổ truyền Nhâm Dần 2022 đến, nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” càng thêm canh cánh đối với người nghèo.

Tại Bến Tre, dù còn nhiều khó khăn do vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng địa phương luôn quan tâm, chăm lo toàn diện đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,… bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết và “không ai bị bỏ lại phía sau”.

* Đón Tết trong nhà mới

Những ngày này, cả gia đình 4 nhân khẩu của anh Phạm Duy Nhẫn và chị Phi Thị Kim Hương ngụ ấp Hưng Quý, xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm) vui mừng vì được đón Tết trong ngôi nhà mới.

Chị Phi Thị Kim Hương chia sẻ, gia đình thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất, hằng ngày hai vợ chồng phải vượt sông, vào đất liền đi làm thuê tại cơ sở sản xuất thạch dừa. Công việc “nay có mai không” nên thu nhập bấp bênh.

“Đã nghèo còn mắc cái eo”, giữa năm 2021, căn nhà xiêu vẹo là nơi trú mưa, trú nắng của cả gia đình cũng bị trận dông lốc giật sập. Lo đủ cái ăn, cái mặc, chuyện học hành các con đã là chuyện khó, cho nên ước mơ xây lại căn nhà trở thành chuyện “vượt ngoài tầm tay”.

Trong ngôi nhà đại đoàn kết còn thơm mùi sơn mới, chị Hương xúc động bày tỏ, may mắn được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng sự đóng góp của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm nên cũng xây được ngôi nhà trên diện tích 45m2 theo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). “Cận Tết, ngôi nhà cũng hoàn thành, cả hai vợ chồng ngủ không được vì mừng. Từ đây trở đi, gia đình đã được “an cư” và giờ phải lo cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo”.

 

Ở tuổi 59, ông Nguyễn Văn Phăng, hộ nghèo ở ấp Hưng Phong, xã Hưng Phong, cùng người cha sống nương tựa trong căn nhà tạm bợ, nắng nóng, mưa dột. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, thuốc thang cho cha già đều phụ thuộc vào tiền trợ cấp của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của láng giềng. Thấy hoàn cảnh khó khăn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện vận động các nhà hảo tâm xây cho ông mái nhà tình thương và đã hoàn thành vào tháng 12/2021.

Ông Phăng chia sẻ: “Thật sự có mơ hai cha con cũng không dám nghĩ đến việc có được căn nhà như hiện tại. Giờ cha không còn, song điều ông cảm thấy an ủi nhất trước vong linh người cha quá cố, những ngày cuối đời ông cụ cũng được ở trong căn nhà kiên cố”.

Tết năm nay, ông Phăng buồn vì không còn cha, nhưng được ở trong căn nhà mới, ông cũng cảm thấy “vững dạ” hơn, không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa dông. “Rất mừng, rất vui và biết ơn tình thương yêu, sự quan tâm của chính quyền đối với dân”, ông Phăng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giồng Trôm cho biết, năm 2021, bằng nhiều nguồn vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã tổ chức khảo sát, xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng trên 150 mái ấm tình thương và nhà đại đoàn kết. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán sẽ có thêm 3 căn nhà đại đoàn kết kịp hoàn thành để bà con đón Xuân Nhâm Dần 2022 thêm phấn khởi.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cho biết thêm, toàn huyện Giồng Trôm có hơn 3.200 hộ nghèo, trên 1.250 hộ cận nghèo và hơn 1.200 gia đình chính sách khó khăn. Theo kế hoạch, địa phương vận động khoảng 6.000 phần quà, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, chia sẻ với cộng đồng, vượt qua một năm khó khăn, vất vả, để “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

* Bảo đảm mọi người đều vui xuân, đón Tết

Cùng chung khó khăn bởi dịch COVID-19, nhưng các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vẫn mở lòng, chung tay trao gửi tình thương yêu, chia sẻ món quà ấm áp với những người “yếu thế” trong dịp Tết đến, Xuân về. Điều này vừa giúp đỡ nhiều hoàn cảnh có tết thêm sung túc, ấm no; vừa tạo động lực, niềm tin để họ phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

Là một trong 120 người khiếm thị được nhận quà của nhóm từ thiện Tâm An Hưng (Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), chị Bùi Thị Kim Nhung ở thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm chia sẻ, chị bị khiếm thị từ lúc nhỏ, sống nương tựa cùng người cha thương binh. “Cuộc sống "nay rau mai cháo" hằng ngày sao cũng được, nhưng Tết cũng phải chuẩn bị tươm tất để cúng rước ông bà, cầu mong một năm sung túc hơn”.

Nhận được tiền, gạo và các nhu yếu phẩm, chị Nhung bảo, “Tết này, đỡ lo hơn rồi đó!” Bấy nhiêu đây thôi, nhưng chứa cả nghĩa - tình, sự yêu thương, san sẻ của các nhà hảo tâm sau một năm lao đao vì dịch, nhất là đối với người khiếm khuyết.

Ngày 17/1, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động các nhà tài trợ hỗ trợ 400 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của 4 xã Châu Hòa, Châu Bình, Phong Nẫm, Lương Quới thuộc huyện Giồng Trôm, mỗi phần quà trị giá 1,5 triệu đồng.

Nhận dụng cụ học tập và suất tiền mặt 1 triệu đồng, em Lê Thị Hồng Thắm, học sinh lớp 9a1 trường Trung học cơ sở Châu Hòa chia sẻ, cha mất sớm năm em lên 6 tuổi, mẹ làm thuê, làm mướn để nuôi 2 anh em ăn học. Do quá khó khăn nên hiện tại, ba mẹ con sống nương nhờ nhà của bà ngoại đã ngoài 70 tuổi.

Thắm nói, nhận được tiền này em sẽ phụ giúp mẹ lo Tết, dành dụm một ít để trang bị đồ dùng học tập chuẩn bị đến trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Em cố gắng học thật tốt để không phụ sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre thông tin, toàn tỉnh hiện có 17.060 hộ nghèo, 16.996 hộ cận nghèo và trên 5.000 gia đình chính sách khó khăn. Đây là những đối tượng rất cần sự quan tâm, chăm lo, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, các cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực ủng hộ kinh phí nhằm hỗ trợ tỉnh Bến Tre có thêm nguồn lực thực hiện an sinh xã hội, chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách khó khăn được đón Tết cổ truyền an vui, sum vầy.

Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận và cam kết tài trợ, chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn của 26 tổ chức, cá nhân với tổng giá trị gần 22 tỷ đồng, tương đương 46.300 phần quà; Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố và cấp xã đã vận động 12.141 phần quà, trị giá trên 5,4 tỷ đồng.

Trên cơ sở các nguồn lực được ủng hộ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ kịp thời phân phối đến các huyện, thành phố, quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo già yếu, neo đơn, bệnh tật, diện bảo trợ xã hội... có ít nhất một phần quà để vui Xuân, đón Tết.

Việc trao tặng quà Tết cũng sẽ được tổ chức chu đáo, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, tránh trùng lắp. Những hộ đã được nhận quà nhưng giá trị thấp, có thể xem xét hỗ trợ thêm nhưng phải đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch - bà Nguyễn Thị Hồng Nhung nói.

Tùy theo cấp độ dịch ở từng địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức các chương trình trao tặng quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19, qua đó vừa để người nhận cảm thấy được chia sẻ, quan tâm của địa phương và xã hội, nhưng cũng đảm bảo được an toàn phòng, chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục