Tha hóa quyền lực nhìn từ Đại án Việt Á- Bài 5: Kiềng ba chân cho “chiếc lồng cơ chế”

09:18' - 28/09/2022
BNEWS Để kiểm soát quyền lực cần phải tạo dựng được một thế kiềng ba chân, đó là kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật nghiêm minh của Nhà nước và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.

Song để tạo ra "chiếc lồng cơ chế" vững chãi đủ sức kìm tỏa quyền lực lại là một thách thức lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải trên dưới một lòng, "dọc ngang, thông suốt" chung tay xây dựng.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, phải làm sao để "Không dám, không thể và không muốn" tham nhũng, trong đó tập trung vào hai khâu là "không dám và không thể". "Không dám" là trừng trị nghiêm không chỉ với người vi phạm mà có giá trị răn đe với người khác thấy đó mà sợ, mà tránh. "Không thể" là cố gắng hoàn thiện thể chế để bịt được lỗ hổng về cơ chế pháp luật.

Với quan điểm đó, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, chúng ta đã được chứng kiến không chỉ là ngăn chặn, đẩy lùi mà là một cuộc tiến công mạnh mẽ, chủ động, kiên quyết vào công cuộc đấu tranh và xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Cuộc tiến công này đã tạo được bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ, mức độ quyết liệt hơn, xử lý nghiêm khắc hơn.

50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật. Cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế.

Những con số này là minh chứng cho quyết tâm "không ngừng, không nghỉ" của Đảng trong cuộc chiến sinh tử với "giặc nội xâm" để giữ gìn sự trong sạch của Đảng và hệ thống chính trị. Quyết tâm đó đã góp phần củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.  

Gần đây, hai đại án tham ô, tham nhũng "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á" và vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan, đã bị phanh phui, với mức độ, quy mô chưa từng thấy, xảy ra từ cơ quan, bộ, ngành trung ương đến các địa phương. Hàng loạt lãnh đạo là đương kim Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành phố, bộ, ngành bị "ngã ngựa", vướng vào vòng lao lý.

Cán bộ, đảng viên, nhân sỹ trí thức và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ khi Đảng, Nhà nước mạnh tay, quyết liệt chống tham nhũng; đồng thời mong muốn có những giải pháp căn cơ, dài hạn để ngăn chặn vấn nạn này. Lâu nay đã có nhiều vụ án tham nhũng lớn với nhiều quan chức cấp cao bị xử lý nghiêm khắc, nhưng vì sao các vụ án tham nhũng vẫn liên tiếp xảy ra với quy mô thậm chí còn lớn hơn, tinh vi hơn như đại án Việt Á hay vụ án ở Cục Lãnh sự?

Đảng đã có quy trình bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian rất dài. Việc chuẩn bị, lựa chọn cán bộ theo quy trình 5 bước được ghi nhận là rất khách quan, tìm ra được những nhân sự chất lượng. Thế nhưng, nhiều cán bộ cấp cao vừa mới được bổ nhiệm trong thời gian ngắn đã vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức bị cách chức, khai trừ đảng và bị khởi tố?

Nhìn nhận vấn đề nhức nhối này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có thay đổi mang tính chất đột phá về phương pháp, chính sách trong công tác cán bộ. Từ phòng, chống tội phạm tham nhũng, chúng ta phải đề xuất cho được chính sách cán bộ một cách căn cơ.

Chăm lo xây dựng chỉnh đốn Đảng là một nhiệm vụ xuyên suốt, then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, một công cuộc gian khó với trách nhiệm vô cùng nặng nề. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy khả năng xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân, những vấn đề nảy sinh trong tư tưởng cán bộ, đảng viên trong điều kiện đất nước thống nhất. Đây không chỉ thể hiện tư duy nhìn xa, trông rộng, mà còn thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới trong công tác xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh:"Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi".

Cũng bởi vậy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với sự tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương đã liên tục ban hành nhiều văn bản, quy định cụ thể để tăng cường, siết chặt công tác cán bộ, làm nền tảng xây dựng, chỉnh đốn Đảng tốt hơn, ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Đó là Quy định số 24 QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Còn về công tác cán bộ, tiếp nối khóa XII, sang đến nhiệm kỳ XIII, Đảng tiếp tục thể chế hóa, quy định hóa với các văn bản quy định rất chi tiết, cụ thể, chặt chẽ. Như năm 2021, năm đầu nhiệm kỳ, trong 3 văn bản liên quan đến công tác cán bộ mà Đảng ban hành, đáng chú ý là Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ.

Sang đến năm 2022, Đảng ban hành Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ; Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương; Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển và mới đây nhất là Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ ứng cử; Thông báo số 20-TB/TW về "Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật".

Sắp tới, theo Ban Tổ chức Trung ương, Đảng sẽ còn tiếp tục ban hành các văn bản quy định liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ. Việc này nhằm tạo nên một sự đồng bộ trong công tác cán bộ, từng khâu của công tác cán bộ và tất cả những văn bản này kết nối với nhau rất chặt chẽ, liên tục. Các văn bản đó sẽ là "chiếc phanh" và "cái lồng" cơ chế đảm bảo cán bộ nhiệm kỳ tới tiếp tục được quy hoạch một cách bài bản, bảo đảm tiêu chuẩn và chủ động nguồn cán bộ.

Đồng thời, khắc phục tình trạng cán bộ vừa mới được bổ nhiệm đã vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, hay việc lạm quyền, tùy tiện, dùng ảnh hưởng cá nhân trong sắp xếp, bổ nhiệm người thân, người nhà, người không đủ tiêu chuẩn điều kiện vào các vị trí lãnh đạo, quản lý không đúng quy định của Đảng, gây dư luận bức xúc, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Công tác cán bộ là trách nhiệm của Đảng, là "then chốt của then chốt", một người cán bộ tốt có thể mang đến bao nhiêu điều tốt cho Đảng. Song, một người cán bộ không tốt có thể gây tổn hại rất lớn cho Đảng. Do đó, trong quản lý cán bộ, bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải quản lý, theo dõi quá trình phấn đấu rèn luyện, hiệu quả công việc và thường xuyên nhắc nhở, góp ý ngay để cán bộ khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, còn chưa đúng, từ đó phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực.

Để làm được điều này, việc coi trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, tôn trọng dân chủ ở cơ sở của cấp ủy, người đứng đầu là rất quan trọng.

Như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, cán bộ của Đảng không chỉ có một mình Đảng lo, mà còn phải có sự quan tâm, giám sát của xã hội, của nhân dân.

Nơi nào có dư luận phản ánh, Ban Tổ chức phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cần phải kiểm tra ngay, không để kéo dài, không để cho tập thể cấp ủy, cá nhân lãnh đạo nơi có dư luận phản ánh lún sâu vào vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua. Phải làm sao để một người cán bộ mà tập thể cấp ủy, tập thể ban cán sự đưa lên, người ta cảm thấy tâm phục, khẩu phục, đồng tình cao…

Có những cán bộ trước khi bổ nhiệm, tốt lắm, nhưng vào vị trí có uy lực lại hư. Có những việc không lường trước được hết, nhưng cần phải cố gắng hết sức khắc phục vấn đề này. Chúng ta có trách nhiệm chung với Đảng, để cho những quy định của Đảng đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng lòng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, của nhân dân mới thành công được!./.

(Hết)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục