Thái Lan sẽ đánh giá hoạt động nhập khẩu hải sản từ các nước bị thẻ vàng IUU

13:24' - 12/06/2019
BNEWS Bộ Thương mại Thái Lan và Cục Thủy sản nước này sẽ có buổi làm việc vào tuần tới để đánh giá tác động IUU đối với các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh hải sản trong nước.
Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đánh cá Thái Lan kém hơn so với các nước đối thủ do tuân thủ chặt chẽ luật và các quy định liên quan đến IUU. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngày 12/6, truyền thông sở tại đưa tin Bộ Thương mại Thái Lan và Cục Thủy sản nước này sẽ có buổi làm việc vào tuần tới để đánh giá tác động của Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) đối với các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh hải sản trong nước sau khi nhận được khiếu nại về làn sóng nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản từ các nước láng giềng.

Phó Tổng Cục trưởng Cục Ngoại thương Thái Lan Wanchai Varavithya cho biết, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đánh cá Thái Lan kém hơn so với các nước đối thủ do tuân thủ chặt chẽ luật và các quy định liên quan đến IUU.

Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Thái Lan sẽ cao hơn từ 30-40% so với các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp khai thác hải sản của Thái Lan đã khiếu nại lên các cơ quan chức năng nước này rằng họ không thể cạnh tranh với các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Trong số các nước khu vực xuất khẩu hải sản vào Thái Lan có một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận thẻ vàng hoặc thẻ đỏ từ Ủy ban châu Âu (EC), nhưng vẫn chưa tuân thủ các quy định của IUU.

Ông Wanchai cho biết Cục Ngoại thương Thái Lan sẽ thảo luận với Cục Thủy sản vào tuần tới, nhằm tìm ra các giải pháp tốt nhất để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thủy sản trong nước.

Cụ thể, Cục Thủy sản sẽ trực tiếp đảm nhiệm quá trình cấp phép xuất - nhập khẩu, trong khi Bộ Thương mại chịu trách nhiệm về các quy định giới hạn nhập khẩu hoặc các biện pháp cấm nhập khẩu theo Luật Xuất nhập khẩu năm 1979.

Mặt khác, khi áp dụng các biện pháp trên cần phải tính đến các yếu tố khác, như an ninh quốc gia hoặc lợi ích cộng đồng nói chung. Thái Lan cũng có thể xem xét nguyên tắc “có đi có lại khi” đưa ra lệnh cấm đối với một quốc gia cụ thể.

Năm 2018, khối lượng nhập khẩu thủy hải sản của Thái Lan đã tăng 16% lên 1,67 triệu tấn, trị giá 101 tỷ baht (khoảng 3,2 tỷ USD), so với 1,44 triệu tấn trong năm 2017.

Trong đó, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là cá ngừ ướp lạnh và đông lạnh, chiếm 51%. Tiếp theo là cá hồi, cá tuyết, cá thu và mực ướp lạnh và đông lạnh chiếm khoảng 8%, còn lại là các sản phẩm hải sản khác.

Trong bốn tháng đầu năm 2019, khối lượng nhập khẩu hải sản của nước này đã tăng 0,52% lên 520.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

EC đã ban hành luật cứng rắn chống lại việc đánh bắt cá IUU vào năm 2010, xác định các sản phẩm thủy hải sản của quốc gia xuất khẩu hoặc cờ mà tàu vận chuyển hoạt động.

Động thái trên được đưa ra với mục đích bảo đảm không có sản phẩm thủy hải sản IUU nào trên thị trường của Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, các quốc gia xuất khẩu hải sản vào thị trường trên chịu trách nhiệm về các hoạt động IUU trong phạm vi quyền hạn của mình.

Đồng thời, họ phải thường xuyên đưa ra danh sách các tàu cá có hành vi IUU dựa trên thông tin mà các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và các tổ chức quốc tế có liên quan cung cấp.

Các quốc gia có tình trạng đánh bắt hải sản IUU trước tiên sẽ bị cảnh báo và bị “áp thẻ vàng cảnh cáo”. Đây là giai đoạn nhận dạng ban đầu, EC sẽ mở một cuộc đối thoại chính thức với quốc gia vi phạm, sau đó theo dõi tình hình khai thác hải sản trong ít nhất sáu tháng.

Nếu quốc gia vi phạm chứng minh được sự cải thiện trong các nỗ lực chống đánh bắt IUU, EC sẽ tiếp tục theo dõi sự chuyển biến tích cực cho đến khi thẻ vàng được gỡ bỏ.

Những nước không không có chuyển biến thỏa đáng sau thời gian giám sát hoặc bị kết luận“không hợp tác” có thể sẽ bị “áp thẻ đỏ”, cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản từ các quốc gia này vào EU.

Trạng thái cao nhất là bị liệt vào “danh sách đen”, cấm tất cả các sản phẩm thủy sản do các tàu cá hoạt động dưới cờ của quốc gia đó khai thác được. Các công ty thủy sản của EU cũng bị cấm hoạt động tại các quốc gia nằm trong danh sách đen.

Trong Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), Philippines (Phi-líp-pin) đã phải nhận thẻ vàng cảnh cáo vào tháng 6/2014, nhưng đã khắc phục thành công và được gỡ thẻ vào tháng 4/2015. Trong khi đó, Thái Lan bị áp thẻ vàng vào tháng 4/2015 và thoát thẻ vàng vào tháng 1/2019.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục