Giải pháp từ địa phương khắc phục "thẻ vàng" IUU

18:42' - 23/04/2019
BNEWS Chiều 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu (EC).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: "Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương chưa thực sự quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" của EC, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành vào cuộc rất quyết liệt.

* Địa phương chưa vào cuộc quyết liệt

"Đích thân tôi đã xuống từng cảng cá, mở từng quyển sổ ra kiểm tra việc xác nhận của lực lượng Biên phòng và các lực lượng khác là chưa chặt chẽ và đồng bộ" - Thứ trưởng Tiến nói.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Bên cạnh đó, hạ tầng neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề cá chưa được quan tâm; nguồn nhân lực quản lý thuỷ sản chưa đủ; ghi chép báo cáo mới đạt 21,2%.

Như vậy, việc truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt theo yêu cầu của EC là chưa được. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc khi EC vào kiểm tra thì ngoài hệ thống pháp luật, văn bản điều hành... thì phải quyết liệt đẩy manh hơn nữa các giải pháp thực hiện, có như vậy, chúng ta mới có thể khắc phục được "thẻ vàng" của EC trong thời gian tới".

Đánh giá về kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục "thẻ vàng" của EC trong thời gian qua, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đến nay, các khuyến nghị của EC đã cơ bản nội luật hóa trong Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU.

Đáng chú ý, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có nhiều tiến bộ...

Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể. Sự chỉ đạo của các cấp, các ngành tại địa phương chưa thực sự quyết liệt, xử lý vi phạm chưa nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thực thi pháp luật để đảm bảo việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả.

Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu; việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế; xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn nhiều sai sót...

* Cấp bách triển khai các giải pháp

Ông Nguyễn Quang Hùng thông tin, dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao thuỷ sản Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.

Vì vậy, trong thời gian này các Bộ, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần nỗ lực tập trung nguồn lực, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào một số nội dung trọng tâm liên quan tới chống khai thác IUU; ban hành danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng và cảng cá chỉ định cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng; hoàn thành ngay trong tháng 4/2019.

Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đồng thời, Bộ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển; phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá và ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài...

Đối với UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần bố trí nguồn lực, kinh phí để khắc phục tồn tại và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU.

Theo đó, các địa phương thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, bao gồm cấp phép cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ngay khi Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 25/4/2019, đảm bảo 100% tàu cá được cấp giấy phép theo quy định trước tháng 7/2019; thực hiện quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép đối với tàu cá nằm trong danh sách tàu cá IUU; thu hồi giấy phép khai thác đối với tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, các địa phương triển khai các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá bao gồm các quy định về nhật ký khai thác; trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định; lập danh sách tàu cá khai thác IUU; các quy định về quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, nhập khẩu...

Đặc biệt, các địa phương cần quyết liệt ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.

Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban, ngành và lực lượng chức năng liên quan để tàu cá và ngư dân tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đồng thời, các địa phương đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; có biện pháp quyết liệt, khả thi để hoàn tất lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kết nối với vệ tinh cho 2.598 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên trước 1/7/2019.

Đảm bảo 100% các cảng cá chỉ định truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu giám sát hành trình phục vụ xác nhận nguyên liệu từ ngày 1/7/2019.

Ngoài ra, các địa phương ven biển cần ưu tiên thực hiện các quy định về khai thác IUU như: Ban hành kế hoạch khắc phục các tồn tại trong việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật kí khai thác của các tàu cá cập cảng để lên cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu; trong đó giao trách nhiệm rõ ràng và thời gian hoàn tất khắc phục tồn tại; hàng tuần có kiểm tra đánh giá.

Là địa phương được chọn thí điểm triển khai khắc phục "thẻ vàng", ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: Đến nay, số lượng tàu cá vi phạm của Bình Định đã giảm đáng kể.

Năm 2018 có 22 trường hợp vi phạm; đến Quý I năm 2019 chỉ có 2 tàu vi phạm. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương, có cam kết trên tàu cá có đầy đủ các thiết bị.

Đến nay, 90% các tàu tham gia đánh bắt xa bờ có cam kết với tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay quy định về xử phạt các tàu cá còn bất cập. Do đó, ông Trần Châu kiến nghị cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa, hiện mới chỉ xử phạt thì không đủ sức răn đe. Nếu không có biện pháp mạnh thì không thể chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã xây dựng hệ thống giám sát tàu cá riêng. Đến nay, đã có 331/1.661 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thời gian tới, tỉnh Cà Mau phấn đấu hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho số tàu cá còn lại.

Một giải pháp được tỉnh Cà Mau đang thực hiện là, tàu cá nào đến hạn đăng kiểm thì sẽ bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình luôn, tránh tình trạng chủ tàu cố tình chưa thực hiện ngay.

Nhờ triển khai quyết liệt, từ đầu năm 2019 đến nay, Cà Mau chỉ có 3 tàu cá vi phạm. Tuy nhiên, ông Sử cũng đề xuất, phải xử phạt thật nặng đối với thuyền trưởng.

Bên cạnh đó, cần tích hợp phần ghi nhật ký vào hệ thống giám sát hành trình cho đồng bộ. Bởi hiện nay do trình độ ngư dân còn hạn chế, nên việc ghi nhật ký đối với các tàu cá cũng có khó khăn.

Đồng thời, Tổng cục Thuỷ sản khi xây dựng hệ thống định vị của 28 tỉnh, thành phố ven biển cần chú ý đồng bộ cùng hệ thống giám sát tàu cá của Cà Mau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục