Thái Lan tăng cường tận dụng lợi ích của các FTA

05:30' - 04/08/2023
BNEWS Ngoài lợi thế về đường sắt Trung Quốc-Lào, Thái Lan đang được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo báo Bangkok Post, Bộ Thương mại Thái Lan cam kết khám phá cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm của nước này tại Lào, tận dụng những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có mang lại. Các doanh nhân Thái Lan đang ngày càng quan tâm đến việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.

Bà Auramon Supthaweethum, Cục trưởng Cục đàm phán thương mại, cho biết xuất khẩu trái cây nhiệt đới từ Thái Lan sang Trung Quốc đã tăng liên tục sau khi khai trương tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào vào tháng 12/2021. Kết nối đường sắt này không chỉ giúp hàng hóa từ Thái Lan xuất khẩu thuận lợi mà còn giảm đáng kể thời gian vận chuyển. Thêm nữa, các toa lạnh giúp đảm bảo hoa quả được tươi và không hư hại trong suốt quá trình vận chuyển. Bà Auramon khẳng định điều này sẽ khuyến khích các doanh nhân Thái Lan sử dụng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào nhiều hơn nữa trong tương lai.

Theo bà Auramon, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa Thái Lan từ Nong Khai (Thái Lan) đi qua Lào đến Côn Minh (Trung Quốc), với thời gian được rút ngắn xuống còn chưa đầy 15 giờ so với hành trình 2 ngày trước đó qua tuyến đường R3A.

Bà Auramon cho biết sau các cuộc thảo luận với nhà điều hành Cảng cạn Thanaleng ở Viêng Chăn (Lào) vào ngày 7/7 và chuyến thăm thực tế tới cảng này và Nhà ga Nam Viêng Chăn, người ta thấy rằng giá trị xuất khẩu từ Thái Lan theo tuyến đường này tăng lên 1,96 tỷ baht (57,1 triệu USD) vào năm 2022, cao hơn nhiều so với năm trước đó.

Từ tháng 1-5/2023, giá trị xuất khẩu đạt 2,84 tỷ baht, tăng khoảng 261% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số này, 72% hay 2,07 tỷ baht là nhờ xuất khẩu sầu riêng tươi, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 365% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với các sản phẩm khác như mỳ ăn liền, đồ ăn nhẹ từ gạo nếp, cao su, nhựa và điện tử… cũng đạt được số lượng xuất khẩu đáng kể.

Ngoài ra, các loại trái cây tươi khác từ Thái Lan cũng đang được ưa chuộng tại Trung Quốc. Chẳng hạn, giá trị xuất khẩu xoài 5 tháng đầu năm tăng 218%, dứa tăng 84%, nhãn tăng 8,82% và măng cụt tăng 4,18%. Xu hướng này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với trái cây Thái Lan, tạo cơ hội cho nông dân và các nhà xuất khẩu tiếp tục khám phá thị trường cho các loại trái cây khác dành cho Trung Quốc.

Ngoài lợi thế về đường sắt Trung Quốc-Lào, theo bà Auramon, Thái Lan đang được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Với việc Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu trái cây Thái Lan, Thái Lan đã tận dụng các đặc quyền của FTA ASEAN -Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng tươi trị giá 2,02 tỷ USD và lợi ích của RCEP để xuất khẩu sầu riêng trị giá 7,5 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1-4/2023.

Ông Sakhone Philangam, Giám đốc điều hành Cảng cạn Thanaleng, cho biết Thái Lan đang tăng cường tận dụng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào để xuất khẩu các sản phẩm của Thái Lan. Từ tháng 1-7/2023, có 2.126 container hàng hóa Thái Lan được vận chuyển qua Lào và tiếp tục đến Trung Quốc, trong khi 2.072 container sản phẩm Trung Quốc được vận chuyển qua Lào và tiếp tục đến Thái Lan. Loại trái cây được vận chuyển phổ biến nhất là sầu riêng, nhãn, dừa và bưởi.

Tuy nhiên, có một thách thức đối với đoạn đường sắt từ Thái Lan đến Nhà ga Nam Viêng Chăn là không có kết nối với các điểm trung chuyển, trong khi đường ray có các kích cỡ khác nhau. Kết quả là, các container vận chuyển hàng hóa cần có đầu máy kết nối để liên kết với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào. Ông Sakhone cho biết, nếu Thái Lan thiết lập một nhà ga cho phép vận chuyển hàng hóa suôn sẻ hơn, điều đó sẽ nâng cao đáng kể sự tiện lợi và hiệu quả.

Cảng cạn Thanaleng ở Viêng Chăn nằm ngay bên kia Cầu Hữu nghị số 1 từ Nongkhai ở Thái Lan, được hình thành để phục vụ như một nhà ga hàng hóa và trạm kiểm soát biên giới quốc tế nhằm đáp ứng tối đa hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh cho Viêng Chăn. Cảng cạn Thanaleng là giai đoạn đầu tiên của dự án Khu hậu cần Viêng Chăn, khởi công năm 2021 và hoàn thành trong vòng 11 tháng. Cảng cạn này hiện đang được đầu tư đáng kể để phát triển các tuyến hậu cần và tạo ra các cơ sở tích hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục