Thái Nguyên cần tính chuyện góp vốn, góp đất trồng chè quy mô lớn

14:16' - 27/11/2015
BNEWS Người trồng chè Thái Nguyên cần thông qua HTX của mình để góp vốn, góp đất trồng chè quy mô lớn, đảm bảo nguyên liệu chè an toàn cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến.

Sáng 27/11, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè Thái Nguyên" với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp, HTX, làng nghề sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.

Cây chè đã thực sự trở thành cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên và là "cây làm giàu" của nhiều hộ nông dân. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Thái Nguyên có trên 21.000 ha chè, với sản lượng chè búp tươi hàng năm gần 200.000 tấn.

Cây chè đã thực sự trở thành cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh và là "cây làm giàu" của nhiều hộ nông dân, mang lại giá trị sản phẩm bình quân 95 triệu đồng/ha, có nơi đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè hiện nay ở Thái Nguyên vẫn có nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, chủ yếu là nông hộ, quy hoạch vùng nguyên liệu theo giống còn nhiều khó khăn.

Không chỉ có vậy, diện tích chè sản xuất theo quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn VietGap còn thấp, quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu chè Thái Nguyên còn thấp, liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...

Trước thực trạng này, đa số các tham luận trình bày tại hội thảo đều cho rằng, để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè Thái Nguyên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch vùng nguyên liệu chè búp tươi an toàn, thay thế giống chè mới chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng sản xuất chè VietGap, nâng cấp thiết bị, xây dựng thương hiệu...

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, từ thực tiễn của các nước có điều kiện sản xuất tương tự, Thái Nguyên cần thành lập các HTX có quy mô hợp lý, liền kề vùng khoảnh, có cán bộ kỹ thuật kiểm soát được 100% vùng nguyên liệu chè an toàn, hướng dẫn xã viên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng thương hiệu cho HTX trên cơ sở các chứng nhận chè an toàn của các tổ chức trong và ngoài nước.

Thái Nguyên cần tạo liên kết giữa các hộ trồng chè để có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, tổ chức xây dựng cơ sở chế biến và tiêu thụ; nghiên cứu mô hình công ty cổ phần mà cổ đông là nông hộ...

Đối với việc tạo mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến chè Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội Chè Thái Nguyên cho rằng, người trồng chè cần thông qua HTX của mình để góp vốn, góp đất trồng chè quy mô lớn, đảm bảo nguyên liệu chè an toàn để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, hỗ trợ vốn cho sản xuất, hỗ trợ lãi suất vay để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất chè, tạo dựng các chuỗi liên kết thúc đẩy ngành chè...

Kết thúc hội thảo, đại diện lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng cùng các doanh nghiệp, HTX, làng nghề chè đã ký kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè./.

Hoàng Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục