Thái Nguyên dành hơn 840 tỷ đồng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

09:57' - 17/05/2017
BNEWS Tỉnh Thái Nguyên dự kiến dành hơn 840 tỷ đồng thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, từ nguồn ngân sách Nhà nước là hơn 700 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2020 chuyển đổi, trồng mới chè giống mới đạt trên 80% tổng diện tích.

Thái Nguyên dành hơn 840 tỷ đồng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN

Đồng thời, phát triển đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 70% tổng đàn, đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 60% trở lên. Bên cạnh đó, ổn định độ che phủ rừng mức 50%, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; mở rộng diện tích nuôi thủy sản thâm canh và bán thâm canh.

Giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2020 đạt trên 690 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm...

Theo đề án này, trong lĩnh vực trồng trọt, việc tái cơ cấu sẽ tập trung vào chuyển đổi diện tích đất một vụ kém hiệu quả sang cây trồng có gia trị, hiệu quả kinh tế cao và nuôi trồng thủy sản. Sử dụng linh hoạt hơn 26.800 ha đất lúa hai vụ, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với diện tích khoảng 5000 ha.

Đối với cây chè là cây đặc sản mũi nhọn của tỉnh, các địa phương trong tỉnh nâng tổng diện tích chè lên 22.000 ha; trong đó, hình thành vùng chè an toàn, ứng dụng sản xuất hữu cơ 5.000 ha, hàng năm hỗ trợ chứng nhận VietGap cho khoảng 300 ha trở lên.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện cơ cấu lại quy mô đàn lợn, tập trung phát triển bò lai, chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cap, xây dựng từ 6 - 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hệ thống kinh doanh sản phẩm chăn nuôi.

Chú trọng sản xuất theo chuỗi để chủ động đầu ra trong tiêu thụ, đảm bảo đến năm 2020 có 70% số trang trại chăn nuôi tập trung sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ngành nông nghiệp thực hiện điều chỉnh 3 loại rừng, tiến hành trồng rừng gỗ lớn trên diện tích 10.000 ha, trồng rừng thâm canh gỗ nhỏ 15.000 ha, cải tạo 4.300 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt thành rừng sản xuất, xây dựng mới một số nhà máy chế biến gỗ, sản xuất ván gỗ đán, viên gỗ nén...

Việc tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản tập trung vào mở rộng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lên hơn 6.800 ha, xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại với diện tích nuôi thâm canh khoảng 500 ha...

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, bước đầu, tỉnh Thái Nguyên đã hình thành được 5 vùng sản xuất quả an toàn với quy mô trên 390 ha, 8 vùng sản xuất rau an toàn có diện tích 82 ha, 63 điểm sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGap với tổng diện tích hơn 700 ha.

Trong phát triển chăn nuôi, Thái Nguyên đã xây dựng các vùng chăn nuôi trọng điểm, đạt hiệu quả kinh tế cao như: vùng chăn nuôi gà thả vườn tại Phú Bình, Định Hóa, Võ Nhai; vùng chăn nuôi lợn tại Phú Bình, Phổ Yên...

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2021 với tổng quy mô sản xuất lúa 250 ha, sản xuất chè 5000 ha và sản xuất rau quy mô 500 ha tại các vùng sản xuất tập trung.

Đồng thời, kết nối cung - cầu các sản phẩm nông nghiệp giữa các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm với 95 bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, đơn vị lớn trên địa bàn...

Qua đánh giá mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, hiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo quy mô hộ, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là nguyên liệu sơ chế, tỷ lệ chế biến công nghiệp thấp, giá trị sản xuất trên đất trồng trọt mới đạt khoảng 84 triệu đồng/ha và giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt khoảng 85 triệu đồng/ha/chu kỳ, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, doanh thu trong nuôi trồng thủy sản cũng chỉ đạt trung bình 57,4 triệu đồng/ha...

Do vậy, chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được coi là động lực chính để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp trên đại bàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục