Thái Nguyên triển khai 5 mũi đột phá trong chuyển đổi số

08:50' - 26/11/2024
BNEWS UBND Thái Nguyên vừa ban hành Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2025 với 5 mũi đột phá tạo lợi thế cạnh tranh mới cho tỉnh.
Mục tiêu đặt ra là: Hạ tầng kết nối mạng di động băng rộng, truyền dữ liệu lớn, độ trễ thấp, là một trong các tỉnh, thành phố có chất lượng kết nối mạng tốt nhất Việt Nam; trở thành trung tâm dữ liệu của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời có chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất cả nước; dữ liệu số, dữ liệu mở được tạo lập và cung cấp phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh có dữ liệu số tốt nhất Việt Nam; phổ cập năng lực số toàn dân để nâng cao mức sống và thu nhập của người dân.

Theo Đề án, trong phát triển hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông  triển khai mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% trường đại học và bệnh viện (năm 2024); 100% khu dân cư (năm 2025), 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G, phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu đều có truy cập FTTH tốc độ Gbps.

Tỉnh thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (DataCenter) để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho vùng trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI; nâng cấp trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ lưu trữ dữ liệu và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số; xây dựng bản sao số (Digital Twins) tại khu công nghiệp... Thái Nguyên đảm bảo trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt...

 
Tỉnh hoàn thành xây dựng kiến trúc chính quyền số (Chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên, phiên bản 3.0); xây dựng Chiến lược dữ liệu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền tỉnh. Địa phương triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt, dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa VNeID và hệ thống định danh số...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Tỉnh đã thành lập Tổ công tác triển khai Đề án do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm tổ trưởng. Thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các bên liên quan triển khai nhiệm vụ của Đề án; đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Là cơ quan thường trực, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện Đề án, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai nhiệm vụ, chương trình, dự án định kỳ; phối hợp, hợp tác với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để huy động nguồn lực, kinh nghiệm triển khai...

Tổng kinh phí thực hiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024 - 2025 dự kiến hơn 2.300 tỷ đồng; chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Ngân sách Nhà nước chỉ khoảng 32,4 tỷ đồng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục