Thái Nguyên: Xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

11:09' - 31/12/2024
BNEWS Năm 2025, Thái Nguyên phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho người dân, vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

 

Các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Đồng thời, huy động lực lượng Công an xã tham gia công tác bảo đảm trật tự, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức, hướng dẫn giao thông và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; từng bước xóa bỏ các lối đi tự mở, đường ngang trái phép qua đường sắt, các điểm bất cập về hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ. Đồng thời, đầu tư xây dựng các trạm kiểm tra tải trọng cố định trên các tuyến giao thông...

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 676 vụ tai nạn giao thông làm 113 người chết, 671 người bị thương. So với năm 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 6,5%, số người chết giảm gần 19% và số người bị thương giảm gần 12%. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, đến hết năm 2024, Thái Nguyên có 14 năm liên tục giảm số người chết do tai nạn giao thông. Công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư mạnh với nhiều tuyến đường kết nối quan trọng được khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần cải thiện năng lực giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao, công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe từng bước được siết chặt. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông được duy trì thường xuyên, tập trung chủ yếu vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông...

Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. Tình trạng chiếm dụng hành lang an toàn giao thông, lòng đường, hè phố làm nơi buôn bán, họp chợ, lấn chiếm, tái lấn chiếm còn tồn tại; vẫn còn xuất hiện nhiều xe công nông, xe đầu kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp không có đăng ký, người điều khiển không có giấy phép lưu thông trên đường, tập trung ở các huyện miền núi Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục