Tham gia AEC: Khó khăn lớn nhất của lao động là ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm

17:14' - 23/11/2015
BNEWS Khó khăn, thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam là kỹ năng liên quan đến ngoại ngữ, giao tiếp, tổ chức thực hiện, trình bày, làm việc nhóm...

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nước khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội cho lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực, lao động Việt Nam cần phải khắc phục được những yếu điểm tồn tại trong suốt thời gian qua. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với phóng viên TTXVN bên lề Quốc hội ngày 23/11 về vấn đề này.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh về thị trường lao động đối với các nước trong khu vực, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cộng đồng ASEAN có 3 trụ cột: kinh tế, văn hóa, chính trị. Hướng của Cộng đồng ASEAN là đi đến thống nhất thành một thị trường chung, một khối đoàn kết chung của 625 triệu người trong 10 quốc gia ASEAN; trong đó dẫn đến sự tự do hóa về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động. Cho nên vấn đề lao động sẽ đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng có những thách thức.

Cơ hội là mình có thể đi lao động, làm việc ở 10 quốc gia, nhưng ngược trong nước ta cũng sẽ nhận được nhiều lao động của các nước khác trong khu vực. Vấn đề ở đây là sự cạnh tranh lao động. Chưa bao giờ cạnh tranh giữa các trường đại học lại gay gắt như hiện nay.

Do đó, ngay từ bây giờ, trong quá trình chúng ta đang cải cách và hoàn thiện hệ thống giáo dục; xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hội nhập phải làm sao để đưa các kỹ năng cho người lao động có tay nghề cao; trong đó có vấn đề về ngoại ngữ.

Ví dụ, tôi đã từng phỏng vấn một công ty của Thái Lan, tôi hỏi họ khi đến Việt Nam cần chuẩn bị gì trước. Họ nói, họ phải chuẩn bị 2 ngoại ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt. Vậy thì người Việt khi đi Thái có chuẩn bị tiếng Thái không, hay chỉ chuẩn bị tiếng Anh. Rõ ràng lao động Thái Lan khi sang Việt Nam họ hiểu rất rõ về thực trạng của Việt Nam.

Do đó, tôi cho rằng, lao động tại Việt Nam, nhất là lao động kỹ năng sẽ chịu nhiều sự cạnh tranh. Cho nên trong chương trình đào tạo của các trường hiện nay cũng phải đặt trong bối cảnh cạnh tranh, bối cảnh hội nhập đó. Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cũng vậy, cả một hệ thống cũng phải đi theo. Đó phải là một chuỗi hành động cụ thể, mặc dù đã muộn nhưng chúng ta cũng phải tiếp tục rà soát.

Phóng viên : Ông đánh giá thế nào về thị trường lao động trong thời gian tới?

Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân : Thời gian tới, tôi nghĩ thị trường lao động sẽ sôi động hơn, đồng thời chất lượng lao động cũng được nâng cao hơn. Đặc biệt, khi nền kinh tế của ASEAN phát triển, lĩnh vực lao động cũng có sự tiến triển. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm trong Cộng đồng châu Âu, từ đó có thể giúp kinh tế ASEAN tiếp tục phát triển như những đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Phóng viên : Những khó khăn, thách thức mà lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt là gì, thưa ông?

Đai biểu Trần Hoàng Ngân : Khó khăn, thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam là kỹ năng liên quan đến ngoại ngữ, giao tiếp, tổ chức thực hiện, trình bày, làm việc nhóm... Những điều này thời gian qua nhiều trường Đại học đã đưa vào dạy ngoại khóa. Có trường cho đó là tiêu chuẩn bắt buộc phải có giấy chứng nhận kỹ năng thì mới được ra trường. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất đối với lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ.

Phóng viên : Theo ông, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp nào để khắc phục khó khăn trên?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân : Hiện nay chúng ta có rất nhiều giải pháp, tùy từng Bộ, ban, ngành thì sẽ triển khai cụ thể vào lĩnh vực của mình để tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh, có chất lượng. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề; có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên dạy nghề; xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá chương trình đào tạo, hướng tới doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể đào tạo nghề. Chúng ta cũng cần đổi mới cơ cấu hệ thống dạy nghề trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với đất nước, xu thế các nước trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, cần gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề, nhất là đối với những nước thành công trong phát triển dạy nghề ở khu vực ASEAN và trên thế giới.

Phóng viên : Xin cảm ơn ông./.

Khánh An/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục