Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Chuẩn bị không tốt nguy cơ sẽ đánh mất nguồn lao động

15:45' - 23/11/2015
BNEWS Sự dịch chuyển lao động “tự do” trong cộng đồng kinh tế ASEAN vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho thị trường lao động Việt Nam.

Cộng đồng kinh tế ASEAN khi được thành lập sẽ tạo nên một thị trường lao động lành nghề. Sự dịch chuyển “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động các nước ASEAN vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này với phóng viên TTXVN, các chuyên gia cũng như nhà quản lý thuộc các ngành nghề cho rằng, trong thời điểm này, các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp cần “tăng” chất lượng để lao động Việt Nam có thể cạnh tranh được với lao động trong khu vực.

PGS. TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý, Trường đại học Kinh tế quốc dân: Cần xây dựng các thông tin về thị trường lao động.

PGS. TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý, Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: BNEWS

Cơ hội theo nghĩa rất nhiều ngành, nghề mà Việt Nam đang có lợi thế như dệt may, da giày… xuất khẩu hàng đầu trên thế giới nếu tiếp tục gia tăng được khả năng cạnh tranh ở các ngành đó và thể hiện sự gia tăng trong khu vực thì Việt Nam có thể hội nhập tốt và tận dụng tốt khả năng cạnh tranh lao động.

Nhưng ngược lại, nhiều ngành sẽ gặp thách thức như trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nếu không có điều kiện để phát triển thì đương nhiên lao động có trình độ trong các ngành này sẽ dịch chuyển sang các nơi khác như Singapore, Thái Lan làm việc. Lúc đó, những lao động có tay nghề thấp hơn sẽ ở lại Việt Nam.

Hay ở lĩnh vực cơ khí, công nghệ cao đòi hỏi không chỉ về lao động, vốn, kỹ thuật sản xuất. Nếu công nghệ Việt Nam kém hơn thì sẽ mất cơ hội so với các nước. Những ngành này chủ yếu là lắp ráp nên dù Việt Nam có nhiều các yếu tố khác để cạnh tranh hơn khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng nếu chất lượng lao động không tốt thì sẽ mất lợi thế.

Hiện lực lượng lao động của Việt Nam rất lớn và càng ngày càng tăng. Đơn cử như năm 2014 thống kê là khoảng 57 triệu người và dự kiến năm tới sẽ là hơn 60 triệu người. Việc trang bị kỹ năng hay trình độ tùy thuộc vào định hướng chung của toàn bộ ngành kinh tế.

Vì vậy, Việt Nam phải xác định là ngành nào là chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, thì lúc đó mới có được xu hướng đào tạo lao động tập trung vào ngành đó. Còn những ngành không có lợi thế cũng phải tìm cách làm sao xây dựng và chuyển đổi để mang tính chất là hỗ trợ các ngành khác.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS

Đối với ngành du lịch - là ngành có nhiều lao động sẽ chịu tác động khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).

MRA-TP là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch nói riêng và Cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung bởi vì yếu tố con người là thành phần quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch c ũng như đóng có vai trò quyết định trong việc phát triển một cộng đồng.

Hiện ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố đảm bảo cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016. Bao gồm ký Hiệp định thành lập Ban thư ký khu vực để triển khai MRA-TP; phát triển đội ngũ đào tạo viên, đánh giá viên ASEAN và mở rộng ở cấp độ từng quốc gia thành viên; phát triển các bộ công cụ phục vụ đào tạo và đánh giá theo 6 bộ tiêu chuẩn nghề; thành lập các Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề ở từng quốc gia.

Bên cạnh đó, ASEAN tiến hành việc đối chiếu các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các nước với nhau thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN. Từ đó, hướng tới việc công nhận tương đương về trình độ tay nghề của lao động du lịch trong khu vực; xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến và phần mềm đánh giá trình độ năng lực lao động du lịch trên cơ sở các văn bằng, chứng chỉ.

Ông Hà Văn Siêu cho hay, tham gia vào quá trình này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên như việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thế thao và Du lịch đã ký Công hàm gửi Tổng Thư ký ASEAN thông báo việc giao cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề Du lịch (VTCB) thực hiện chức năng của 2 tổ chức Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch như yêu cầu của MRA-TP cũng như thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP.

Ngành du lịch đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ đào tạo viên ASEAN và đánh giá viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng với tổng số 23 người.

Đồng thời tham gia xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn đào tạo, đánh giá lao động du lịch theo các tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung trong ASEAN.

Cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia ngành du lịch cần có đủ các bộ tiêu chuẩn phục vụ cho việc so sánh và công nhận tương đương với các tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN và gián tiếp là với các nước trong khu vực.

Mặt khác, hoàn thiện đề án Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực du lịch để phổ biến cho các đối tượng liên quan trong ngành du lịch.

Tuy nhiên, để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch.

Đồng thời, có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của khu vực ASEAN.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung: Đào tạo cần theo đơn đặt hàng để sát với thực tế

Ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung. Ảnh: Thu Hằng/BNews

Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp nhất là ngành cơ khí sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ lãnh đạo, quản lý, công nhân các doanh nghiệp đều lúng túng. Ngay hàng ngũ giám đốc trình độ ngoại ngữ còn yếu kém, kinh nghiệm đàm phán, ứng xử đều thua nhiều nước. Trình độ của lực lượng lao động của Việt Nam không đồng đều, ý thức kỷ luật chưa cao.

Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã xây nhà cả nhà ở cho công nhân, có sân bóng, bể bơi… miễn phí cho cả gia đình công nhân nhưng ngược lại nhiều người lao động vẫn chưa sống vì doanh nghiệp, chưa có sự gắn bó, nỗ lực vượt khó cùng doanh nghiệp.

Cơ khí là một ngành đòi hỏi tới hơn 10 loại kỹ sư khác nhau, lao động cũng phải đào tạo trong và ngoài nước vì đặc thù công việc đòi hỏi sự chính xác cao. Đào tạo nhân lực mất công là vậy nhưng họ sẵn sàng bỏ nhà máy. Đây là điểm khác với các nước ví dụ như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Do đó, công nhân của nhiều doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Để hội nhập, từ trường học phải đào tạo theo đơn đặt hàng, để sát với thực tế.

Khó khăn của ngành khi gia nhập AEC hay cả TPP cũng vậy, yếu điểm chính là không có chiến lược lâu dài và thiếu lộ trình cụ thể nên phát triển nhỏ lẻ manh mún.

So với một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Mianma, Thái Lan, Việt Nam đang yếu hơn bởi các nước đầu tư cho lĩnh vực cơ khí bài bản hơn nhiều. Cùng với đó, mức thu nhập cho lao động trong lĩnh vực này ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp nên không hấp dẫn nguồn lao động tham gia. Đây là những khoảng trống mà khó lấp đầy ngay trong một sớm một chiều.

Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Yên: Phải an lòng cho người lao động

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty may Hưng Yên_CTCP. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Điều nhận thấy là khi hội nhập, cùng với nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các nước trong khu vực tràn vào sẽ là nguy cơ doanh nghiệp đối mặt với nguồn nhân lực trong nước dịch chuyển sang các nước khác. Nếu so sánh với mức thu nhập tối thiểu Việt Nam so với mức tối thiểu của nước khác đang thấp hơn và mức thu nhập trung bình của Việt Nam cũng đang thấp hơn nhưng riêng ở công ty chúng tôi thì điều đó không đúng.

So với Thái Lan thì lương một lao động trong một tháng đang cỡ khoảng 300 USD nhưng May Hưng Yên đang trả khoảng 400 USD/lao động/tháng. Vì thế, chúng tôi không ngại cạnh tranh với Thái Lan. Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng tôi yên tâm mà phải quan tâm ngoài đời sống vật chất còn đời sống tinh thần, phúc lợi xã hội…

Năm 2014 chúng tôi đã đầu tư tới 14 tỷ đồng cho nhà trẻ cho tất cả cán bộ công nhân viên gửi con tại đó với giá rất thấp và hỗ trợ một bữa cơm trưa cho các cháu.

Muốn cạnh tranh được thì phải an lòng cho người lao động vì hội nhập là liên quan đến vấn đề lao động có khả năng sẽ mất đi chính nguồn lao động. Nếu như ở đây làm không tốt người ta sẽ đi chỗ khác.

Vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị để làm thế nào lao động có thu nhập tương đương các nước khác trong khu vực và thậm chí còn cao hơn để người ta thấy rằng gắn bó ở đây là tốt nhất./.

Nhóm phóng viên BNEWS

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục