Thanh Hóa được mùa vụ lúa xuân

10:27' - 30/05/2021
BNEWS Nhờ áp dụng đúng khung thời vụ và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vụ xuân 2020-2021 nông dân tỉnh Thanh Hóa được mùa, được giá lớn nhất từ trước đến nay.

Vụ xuân năm 2020-2021, tỉnh gieo cấy 115.283,4 ha lúa, dự kiến năng suất đạt 66,5 tạ/ha, cao hơn vụ xuân  2019-2020 là 2,5 tạ/ha. Nhưng phấn khởi hơn là vụ xuân năm nay lúa bán được giá với mức từ 6.800-7.200 đồng/kg.

Nhiều nơi, thương lái đã đến tận đồng ruộng để thu mua. Thời điểm này, nông dân đang khẩn trương thu hoạch hết diện tích lúa còn lại để chuẩn bị gieo cấy vụ mùa và tránh bão lụt.

Trên những cánh đồng lúa của xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa rộn khắp tiếng cười vui được mùa, được giá của người dân hòa cùng tiếng động cơ của máy gặt đập liên hợp vang lên rộn rã làm dịu đi cái nắng nóng gay gắt của những ngày hè.

Ông Lê Đình Long, thôn 6 xã Hoàng Giang khoe, trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay nhưng gia đình không lo thiếu lương thực mà còn dôi ra đôi chút để lo cho con ăn học và mua sắm vật dụng.

Chung niềm vui này, ông Lê Văn Thông, thôn 3 xã Hoàng Giang chia sẻ, năm nay gia đình trồng 3,5 mẫu lúa xuân. Do thời tiết thuận lợi và được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên lúa được mùa hơn hẳn mọi năm. Nếu bán lúa ngay tại ruộng cho các công ty, gia đình thu được 6.800 đồng/kg, còn phơi một nắng rồi bán cũng được 7.200 đồng/kg nên rất phấn khởi.

Niềm vui mùa gặt bội thu, thành quả sau bao tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã giúp người nông dân xua hết những mệt mỏi dưới cái nắng gay gắt. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ lúa xuân 2020-2021, Nông Cống gieo trồng trên 10.400 ha, năng suất ước đạt 72,5 tạ/ha, nhiều nơi đạt 80 tạ/ha. Nhiều nơi, các hợp tác xã và bà con nông dân ký kết với doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị bao tiêu sản phẩm lúa nên nông dân rất yên tâm.

Vụ xuân năm nay lúa cấy đúng khung thời vụ nên sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã dự tính dự báo phòng trừ sâu bệnh tốt, phát hiện sớm sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều huyện như: Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa… cũng đạt năng suất lúa trên 70 tạ/ha. Giá lúa lại còn tăng từ 1.200-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ khiến nông dân phấn khởi.

Năm nay, có 7 doanh nghiệp lớn đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và bà con nông dân để tiêu thụ lúa vụ xuân theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến với tổng sản lượng 180.000 tấn, tăng thêm 2 doanh nghiệp tham gia so với cùng kỳ. Ngay sau khi thu hoạch, lúa của nông dân đã được đưa đến nhà máy chế biến để tiêu thụ trên thị trường.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, vụ xuân năm 2020-2021 của Thanh Hóa được mùa lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, chất lượng nông sản được đảm bảo bởi trong suốt cả vụ, hầu như nông dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sâu bệnh được kiểm soát an toàn.

Nhờ đó, không chỉ giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ được môi trường sinh thái.

Tại mỗi huyện, thị, thành phố, ngành nông nghiệp đã trang bị từ 1-2 bẫy đèn đặt trên các cánh đồng lớn để xác định pha sinh trưởng, phát triển của sâu, côn trùng hại lúa. Từ đó, xác định được mật độ và ngưỡng gây hại của sâu bệnh, côn trùng để áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng biện pháp thủ công để diệt trừ...

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ thực vật cấp cơ sở đã khuyến cáo bà con chuyển đổi mùa vụ, sử dụng các giống thích hợp như BC15, Bắc Thịnh để kháng sâu bệnh rầu nâu, bạc lá - là những bệnh phổ biến trong vụ xuân; đẩy mạnh thâm canh, cấy đúng mật độ, bón phân cân đối cho cây lúa để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng, hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thì việc được mùa, được giá có tác dụng tích cực, đảo đảm an sinh xã hội, ổn định tư tưởng của người dân trong tỉnh, tạo bệ đỡ để phát triển các ngành kinh tế khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục