Thanh Hóa: Nguy cơ có 8.700 ha canh tác sẽ thiếu nước

09:23' - 12/05/2025
BNEWS Hiện tỉnh Thanh Hóa có 456 trong 610 hồ đập mực nước thấp hơn so với mặt xả tràn từ 50 cm – 1 m; 23 hồ đập dưới mực nước chết, không đảm bảo tưới. Nguy cơ 7.900 - 8.700 ha canh tác sẽ thiếu nước.

Trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hiện có 4.500 ha lúa; 1.200 ha các loại cây màu, 100% diện tích cây trồng đều sử dụng nguồn nước tưới từ hồ đập. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2025 đến nay, mực nước tại các hồ đập trên địa bàn thị xã xuống thấp hơn so với cùng kỳ từ 50 đến 70 phân gây khó khăn cho công tác điều tiết nước tưới.

 

Theo ông Trương Tuấn Việt, Giám đốc Chi nhánh thuỷ lợi thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá nguyên nhân dẫn đến tình trạng mực nước các hồ chứa nước xuống mức thấp là do thời gian qua nắng nóng, mưa ít; nguồn nước tưới ở các sông hồ tự nhiên cạn kiệt nên chủ yếu trông vào sự điều tiết nước ở các hồ, đập thủy lợi.

Để đảm bảo nguồn nước ổn định, công nhân thuỷ lợi phải dự trữ các tuyến đường ống và máy bơm dầu để có thể lắp đặt bơm truyền. Cùng với đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nước đúng qui định để không gây lãng phí nguồn nước, cùng với đó phối hợp với các địa phương naọ vét kênh mương và vận động nhân dân sử dung nước hợp lý, tiết kiệm để giám bớt áp lực.

“Nếu như mọi năm, khi kết thúc mùa mưa, tất cả các hồ đập do các đơn vị thuỷ lợi quản lý đều cơ bản tích đầy nước, thì năm nay, nhiều hồ vẫn chưa đủ mực nước thiết kế. Không chỉ vậy, một số hồ tháo cạn nước để nâng cấp, sửa chữa hoặc đã sửa chữa xong nhưng không kịp tích đủ nước… nên rất khó khăn cho công tác điều tiết nước tại các hồ, đập thủy lợi…” ông Việt chia sẻ thêm.

Huyện miền núi Ngọc Lặc hiện có 165 hồ đập, nhiều nhất cả tỉnh. Hiện nay, ngoài một số hồ đập lớn mực nước vẫn đảm bảo, hơn 100 hồ đập nhỏ và vừa đang trong tình trạng mực nước xuống thấp.

Theo bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Ngọc Lặc, trước thực trạng mực nước ở các hồ, đập xuống thấp, sắp đến mực nước chết, huyện đã rà soát để có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động phương án điều tiết nguồn nước và dự trữ trong thời gian tới.

Cùng với đó, để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiêp, công nghiệp và sinh hoạt, ngoài việc tập trung ra quân làm thủy lợi mùa khô và tu sửa công trình, huyện phối hợp với Chi nhánh thuỷ lợi tích cực hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Cùng với đó, huyện khuyến khích các xã xây dựng kế hoạch, xác định rõ những diện tích cần chuyển đổi ở vùng cao, vùng khó khăn về nước sang trồng ngô và các loại cây trồng chịu hạn khác, nhằm góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng nước.

Trước những nhận định khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm; điều hòa phân phối nước hợp lý; duy tu bảo dưỡng công trình; tích cực bảo vệ rừng đầu nguồn và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác, sử dụng nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề ra những giải pháp cụ thể đối với từng vùng. Với vùng tưới hồ, đập lớn, các nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy vận hành phát điện theo nhu cầu tưới, theo kế hoạch dùng nước của các đơn vị dùng nước; có biện pháp điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan và tăng cường trữ nước từ các công trình hồ, đập.

Với vùng tưới hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ cần tăng cường trữ nước, khai thác, sử dụng nước; kịp thời sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo tích, trữ nước, giảm khả năng khai thác so với thiết kế; chủ động lắp đặt máy bơm dã chiến để bơm nước phục vụ công tác chống hạn, khi mực nước trong các hồ chứa xuống thấp hơn mực nước chết.

Đối với vùng tưới bằng trạm bơm điện, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành điện đảm bảo ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm lớn, trạm bơm chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn vận hành nhất là các trạm bơm Hoằng Khánh, Xa Loan, Cống Phủ, Châu Lộc, Đại Lộc và hệ thống cấp nước Đông kênh De bơm nước tiếp nguồn.

Để triển khai hiệu quả kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 và các Công ty trác nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm xây dựng phương án chống hạn, xâm nhập mặn năm 2025 chi tiết cho từng địa bàn. Đồng thời, các đơn vị liên quan rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động triển khai các giải pháp, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục