Thành phố Cần Thơ vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao về dịch COVID-19

21:56' - 25/07/2021
BNEWS Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, sau 7 ngày căng mình chống dịch COVID-19, thành phố vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị của thành phố tập trung cao độ vào công tác phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn, nhưng theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, thành phố vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Theo Sở Y tế thành phố, từ ngày 8/7 đến nay thành phố liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID -19 tính đến 9 giờ ngày 25/7 trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 613 ca, đặc biệt trong vài ngày gần đây số lượng nhiễm COVID - 19 mới trong ngày tăng lên rất nhanh. Lực lượng chức năng đã truy vết được 3.536 trường hợp F1, 3.839 trường hợp F2, điều trị khỏi 3 bệnh nhân và đã có 2 bệnh nhân đã tử vong.
Điều đáng báo động là số ca F0 tăng nhanh đã xâm nhập chợ, siêu thị, nhà máy. Ngoài các ổ dịch trước đó như: chợ Tân An, quận Ninh Kiều; chợ Trà An, quận Bình Thủy;  phường Hưng Phú, quận Cái Răng... thì đến nay đã xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới như: Hẻm lò mổ, quận Ninh Kiều; xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; Công ty Pataya, quận Bình Thủy và Siêu thị Go thuộc quận Cái Răng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và dịch lây lan nhanh trên địa bàn, thành phố Cần Thơ đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể như thành phố đã ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 quận trung tâm thành phố là Ninh KIều, Cái Răng, Bình Thủy từ ngày 12/7 và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với các quận huyện còn lại. Sau đó, đến 0 giờ ngày 19/7, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với tất cả 9 quận, huyện trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh tốc độ truy vết theo quy trình "24 giờ dập dịch" của Ban Chỉ đạo Quốc gia khi có ca F0 mới đồng thời nhanh chóng cách ly, xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan, khoanh vùng đối tượng nguy cơ.
Từ ngày 12/7 đến hết ngày 24/7, thành phố đã triển khai xét nghiệm cộng đồng hơn 44.600 test nhanh và xét nghiệm PCR cho hơn 40.000 trường hợp.
Thành phố cũng đã huy động toàn bộ lực lượng trong hệ thống chính trị như tất cả nguồn lực, nhân lực y tế, công an, quân đội, đoàn viên thành niên... tham gia công tác phòng chống dịch.
Để ngăn ngừa dịch lây lan từ bên ngoài vào, thành phố đã tổ chức và duy trì các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID - 19 tại các tuyến giao thông, đầu mối giao thông trọng điểm, cửa ngõ ra vào thành phố, đồng thời triển khai test nhanh SARS-CoV-2.

Tính từ ngày 12/7 đến 24/7, thành phố đã ghi nhận 41.347 lượt người qua các điểm kiểm soát vào thành phố, bình quân mỗi ngày là 6.800 lượt.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch, thành phố đã khẩn trương thành lập các khu cách ly, thành lập thêm các bệnh viện dã chiến, tăng cường các trang thiết bị y tế, máy móc sẵn có tại các bệnh viện để tiến hành xét nghiệm, điều trị cho các ca nhiễm và nghi nhiễm.
Theo đó, thành phố đã kích hoạt 30 cơ sở cách ly tập trung với công suất tối đa là 4.160 giường và số trường hợp đang cách ly tập trung hiện nay là 2.293 người. Số người đang trong thời gian theo dõi sức khỏe cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn là 4.053 người.
Về công tác điều trị, thành phố Cần Thơ đã phân chia 3 tầng điều trị: Gồm tầng 1 điều trị F0 không triệu chứng là 1.300 giường, tầng 2 điều trị F0 có triệu chứng, bệnh nền là 180 giường, tầng 3 điều trị F0 nặng là 50 giường.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng đã kích hoạt và tiếp nhận bệnh nhân tại 4 bệnh viện dã chiến trên địa bàn với tổng công suất 450 giường bệnh và đang chuẩn bị mở thêm các bệnh viện dã chiến tại huyện Phong Điền, quy mô 150 giường; Bệnh viện Thốt Nốt 400 giường và dự kiến lấy Trường Chính trị thành phố để thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 800 giường.
Thành phố cũng đã khẩn trương triển khai 3 đợt tiêm vaccine ngừa COVID -19 trên địa bàn với tổng số 44.781 liều cho các đối tượng ưu tiên, công nhân, người lao động trên địa bàn, trong đó có 6.695 người tiêm đủ 2 liều vaccine...
Bên cạnh cả hệ thống chính trị thành phố đang căng mình khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID -19 nhưng tình hình lây lan dịch trên địa bàn vẫn tăng nhanh, nhiều trường hợp F0 được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại các bệnh viện chưa rõ nguồn lây, công tác khai báo y tế hàng ngày chưa đạt yêu cầu tối thiểu 20% dân số trên địa bàn, sự phối hợp giữa các tuyến còn lúng túng, công tác xét nghiệm còn chậm, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID -19 trên địa bàn còn thấp... là những khó khăn mà thành phố Cần Thơ đang gặp phải.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ  Phạm Phú Trường Giang, dự báo trong thời gian tới số lượng F0 tiếp tục tăng cao trong các ổ dịch do thực hiện xét nghiệm sàng lọc cộng đồng nên thành phố Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa, siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện thông điện "5K" của Bộ Y tế, đặc biệt là bắt buộc thực hiện khai báo y tế hàng ngày.

Các địa phương cần tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn.
Mặt khác, thành phố cần xem xét kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa và có thể áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể, Tổ COVID cộng đồng mà nòng cốt là lực lượng công an để hướng dẫn tất cả người dân khai báo y tế hàng ngày.

Các địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", chủ động hơn trong công tác truy vết theo quy trình "24 giờ dập dịch" tại quận, huyện, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, tăng cường huy động nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch...
Tại cuộc họp trực truyến với các sở ban ngành và địa phương mới đây về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết đến thời điểm này, công tác phòng, chống dịch COVID -19 được thành phố đang thực hiện đúng hướng nhưng không được chủ quan, lơ là.

Những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới là thành phố cần triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ chức cách ly và điều trị với kết quả cao nhất, đặc biệt không để lây chéo, theo dõi chặt, phân tầng điều trị phù hợp, đảm bảo trường hợp F0 từ nhẹ đến nặng để đảm bảo điều trị hiệu quả cao nghiên cứu phân tích trường hợp F1 nguy cơ cao, nguy cơ thấp từ đó có giải pháp cách ly tương ứng, tiếp tục thực hiện các hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phát huy hiệu quả các tổ thông tin truyền thông để thông tin sâu rộng trong nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục