Tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn chính sách xã hội của phụ nữ

14:40' - 11/12/2020
BNEWS Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có 84 cá nhân/hộ gia đình người nhiễm HIV được vay vốn, chiếm 16,7% tổng thể các nhóm đối tượng vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg.

Sáng 11/12, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo tóm tắt về đánh giá thực trạng tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội của phụ nữ sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV.
Khai mạc Hội thảo, bà Elisa Feznandes,Trưởng đại diện UN Women cho biết, Hội thảo nhằm thảo luận, tìm ra các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay, hỗ trợ sinh kế, dịch vụ trợ giúp pháp lý cho phụ nữ sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV.
Theo bà Elisa Feznandes, Liên hợp quốc đánh giá cao những nỗ lực phòng, chống HIV của Việt Nam khi năm nay đánh dấu cột mốc kỷ niệm chặng đường 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với mục tiêu bảo vệ quyền cũng như đảm bảo tiếp cận tốt hơn và bình đẳng hơn các dịch vụ xã hội cho tất cả những người nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV có nhu cầu, đặc biệt là quyền của phụ nữ sống chung với HIV.
Trưởng đại diện UN Women nhấn mạnh, nghèo đói có thể khiến mọi người dễ bị nhiễm HIV hơn. Phụ nữ và trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn nếu không được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ tài chính hợp pháp, hiệu quả, họ có thể rơi vào tình huống phải chấp nhận bán dâm để mưu sinh, trang trải chi phí ăn, ở hoặc học hành và có nguy cơ lây nhiễm HIV. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi HIV dễ rơi vào tình trạng nghèo đói hơn do chi phí điều trị ARV (thuốc kháng virus) cao hơn, qua đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục và các cơ hội khác của con cái họ.
Bà Elisa Feznandes cho rằng, nhu cầu của những người có HIV, đặc biệt là phụ nữ sống chung với HIV không chỉ là điều trị thuốc ARV và các dịch vụ y tế, họ cần được bảo trợ xã hội và tiếp cận vốn vay, đảm bảo sinh kế. Nghiên cứu đánh giá thực trạng tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội của phụ nữ sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV tại Việt Nam là nỗ lực của UN Women nhằm hiểu rõ hơn những thách thức mà phụ nữ sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV phải đối mặt trong việc tiếp cận tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
“Tiếp cận tốt hơn với sinh kế và tín dụng cho phụ nữ nhiễm HIV sẽ không chỉ cải thiện phúc lợi tài chính của những người thụ hưởng, mà còn góp phần nâng cao vị thế của họ”, Trưởng đại diện UN Women Elisa Feznandes nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, chương trình cho người nhiễm HIV vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện được triển khai thí điểm từ năm 2016-2020 tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến nay, Ngân hàng đã cho vay được 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có 84 cá nhân/hộ gia đình người nhiễm HIV được vay vốn, chiếm 16,7% tổng thể các nhóm đối tượng vay vốn theo Quyết định số 29.
Bà Hoàng Thị Chương cho rằng, có nhiều khó khăn, vướng mắc để hộ gia đình và người nhiễm HIV được vay vốn, như việc bố trí vốn của Ngân hàng trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình tín dụng, yếu tố sợ lộ thông tin cá nhân, thiếu thông tin về các chương trình vay vốn của người nhiễm HIV...
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nhiễm HIV tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các đại biểu dự Hội thảo đã đề xuất các khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác phòng, chống HIV, hỗ trợ sinh kế cho hộ gia đình/người nhiễm HIV; đẩy mạnh vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và chính quyền địa phương... với tư cách là những người đồng hành, tư vấn pháp lý, cũng như giúp đỡ người vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cho cán bộ ngân hàng, đối tượng vay vốn cần được chú trọng hơn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục