Tháo gỡ vướng mắc cho dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức

18:33' - 09/11/2024
BNEWS Đầu 2021, hai dự án đã tạm dừng thi công và từ đó đến nay chưa giải quyết được các vướng mắc, chưa có cơ chế để xử lý các vấn đề khó khăn liên quan đến dự án.

Chiều 9/11, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, thông tin về những vướng mắc tại hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, hai dự án này được triển khai xây dựng năm 2015. Trong quá trình thi công và tổ chức thực hiện hợp đồng đã phát sinh nhiều vướng mắc. Đầu 2021, hai dự án đã tạm dừng thi công và từ đó đến nay chưa giải quyết được các vướng mắc, chưa có cơ chế để xử lý các vấn đề khó khăn liên quan đến dự án.

 

Trước tình hình đó, năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập tổ công tác, trong đó có Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, để rà soát các khó khăn, vướng mắc của dự án; đề xuất các phương án tháo gỡ, xử lý cho dự án tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phục vụ nhân dân.

Trong thời gian qua, Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần rà soát hồ sơ của dự án, đánh giá toàn diện vấn đề pháp lý và kỹ thuật có liên quan, nghiên cứu, xác định các khó khăn, vướng mắc cơ bản cần tháo gỡ, trên cơ sở đó đề xuất các phương án xử lý.

“Bộ Y tế và Tổ công tác đã có nhiều báo cáo gửi Chính phủ và báo cáo tại các cuộc họp. Thường trực Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp nghe báo cáo. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện phương án để báo cáo tiếp và đề xuất Chính phủ, các cấp có  thẩm quyền các phương án tháo gỡ khó khăn 2 dự án này, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện”, Thứ trưởng Lê Đức Luận nói.

Theo ông, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án khả thi, sớm trình cấp có thẩm quyền cho phép có cơ chế giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các bệnh viện này tiếp tục xây dựng, đi vào hoạt động.

Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai hiện đã hoàn thành trên 90%, Việt Đức hoàn thành trên 60% khối lượng công việc. “Hôm nay nhà thầu của dự án Bệnh viện Việt Đức đang khởi động lại việc tiếp tục thi công dự án”, Thứ trưởng Lê Đức Luận thông tin.

Thông tin thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng đã kết luận và yêu cầu trong 6 tháng dự án 2 bệnh viện này phải hoàn thiện, đưa vào hoạt động.

Ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình, dự án chưa được các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, để tồn đọng, dừng thi công kéo dài như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, Dự án chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem… gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận xã hội.

Để tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các bộ, cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên…

Cùng với đó, rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý; khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; sử dụng hiệu quả công trình trụ sở, công sở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2024; xác định rõ trách nhiệm nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, Thủ tướng yêu cầu chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, đồng thời bố trí, huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả mục tiêu dự án.

Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung, quy định vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý kịp thời trước ngày 30/11/2024. Xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực,…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục