Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản

15:47' - 03/06/2021
BNEWS Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ tổng hợp quy trình tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 từ kinh nghiệm thực tế các địa phương và trong tuần sau sẽ có quy trình này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương, đơn vị cần cố gắng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín để việc tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn; trong đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để xây dựng mô hình cung ứng nông sản an toàn thực phẩm. Việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm khép kín càng quan trọng trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tại Hội nghị trực tuyến Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/6, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo các đơn vị của bộ theo dõi nắm bắt thông tin để tham mưu giải quyết kịp thời các vướng mắc của các địa phương, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp quy trình tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 từ kinh nghiệm thực tế các địa phương để trong tuần sau có thể ban hành quy trình này.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chủ động liên hệ các địa phương có sản phẩm nông sản lớn tổ chức các diễn đàn trực tuyến để kết nối các doanh nghiệp trong tiêu thụ. Các địa phương có thể liên hệ với trung tâm để kết nối các chương trình xúc tiến thương mại.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Văn phòng SPS Việt Nam nắm các nội dung, kiến nghị của địa phương để tháo gỡ các rào cản thương mại, kể cả việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị, các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch tiêu thụ; cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi không chỉ những nơi hàng hóa để xuất khẩu mà kể cả hàng phục vụ thị trường trong nước. Bộ sẽ nghiên cứu có thể đưa thêm tiêu chí khuyến khích trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cấp mã số vùng trồng. 

Để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật tiến hành rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam; bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu. Chẳng hạn như xử lý vải xuất khẩu năm 2021 bằng rổ nhựa thay vì thùng carton.

Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm như: trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang…  Đồng thời, hỗ trợ xử lý, đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là thông báo không tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, như trường hợp ớt xuất khẩu đi Trung Quốc.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, bà Hương đề nghị các đơn vị, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật trong tuyên truyền, phổ biến các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp; quy định về kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.

Các địa phương xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng nông sản ngay từ gốc phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số, triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần tuân thủ, trung thực trong quá trình triển khai; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để đảm bảo vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu.

Về các sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để xuất khẩu sản phẩm động vật sang các nước, chúng ta phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Theo đó, động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học. Trong thời gian qua, Cục Thú y đã và đang tổ chức đàm phán với các nước liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm động vật.

Tính đến hết tháng 5/2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khéo kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được thì phải đảm bảo sản phẩm trong vùng an toàn dịch bệnh của OIE. Hiện Cục Thú y đang phối hợp với các địa phương nâng cấp các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam lên theo tiêu chuẩn OIE.

Ông Nguyễn Văn Long kiến nghị, các địa phương, thành phố cần có kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trong đó cần lưu ý việc phân bố các loại sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn cần phân ra khu nào tập trung chăn nuôi gà là chính, khu nào nuôi lợn là chính... Quan trọng hơn nữa là kiểm soát vùng đó đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là việc kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, điển hình như nguy cơ từ việc mang sản phẩm thịt lợn mang dịch tả lợn châu Phi.

Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, ông  Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị, các doanh nghiệp ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm thì cần phải đảm bảo an toàn dịch COIVD-19 trong các nhà máy chế biến. Các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế trong phòng chống dịch COVID-19. Các địa phương quan tâm việc quy hoạch vùng nuôi, vùng trồng tập trung để quản lý, giám sát chặt chẽ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục