Thắp sáng hy vọng cho trẻ tự kỷ từ lớp học mỹ thuật

07:43' - 04/04/2022
BNEWS Một xưởng vẽ tranh do trung tâm phúc lợi cộng đồng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã hỗ trợ hiệu quả trẻ em không may bị khuyết tật tâm thần từ hơn 600 hộ gia đình.

Khoảng 30 phút trước giờ học, giáo viên mỹ thuật Dong Fangyi đã bắt đầu sửa soạn giáo cụ cho bài giảng mới, soạn ra những cây cọ vẽ và khung vải bạt với sự giúp đỡ của cậu học sinh 14 tuổi Dazhi.

Đây không phải là một lớp học vẽ bình thường. Khung cảnh trong lớp khá đặc biệt khi một số học sinh yên lặng và tập trung vào bài tập của mình, trong khi những học sinh khác lại tỏ ra bồn chồn và phấn khích, không ngừng đập tay lên bàn. Tất cả các em đều là người mắc chứng tự kỷ.

Xưởng vẽ tranh này do một trung tâm phúc lợi cộng đồng ở thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây (Tây Bắc Trung Quốc) thành lập, để hỗ trợ những trẻ em không may bị khuyết tật tâm thần từ hơn 600 hộ gia đình.

Các bậc cha mẹ đã không bắt ép con tới các lớp phục hồi chức năng, mà quyết định tạo điều kiện con phát huy khả năng của mình thông qua giao tiếp xã hội một cách phù hợp.

Bà Chen Ao - người sáng lập trung tâm trên, đồng thời cũng là người có con mắc bệnh tự kỷ - cho biết: “Thông qua hội họa, các em có thể cải thiện khả năng sáng tạo nghệ thuật và sự tập trung của mình, đồng thời có được sự tự tin trong cuộc sống".

 

Đã hơn 5 năm đứng lớp, thày giáo Dong Fangyi hiện là một trong những người bạn thân thiết nhất của học sinh. Bản thân gia đình của thày cũng có người mắc bệnh tự kỷ.

Thày Dong Fangyi đã cùng các bậc phụ huynh tổ chức lớp học mỹ thuật theo cách riêng của họ. Ông cho biết: "Chúng tôi tập trung hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp đối với những học sinh kém về khả năng tự chủ.

Đối với những học sinh có năng lực học tập tốt hơn, các em có thể tự do sáng tạo nhiều hơn". Chủ đề hội họa cũng được phân chia theo từng nhóm trường hợp cụ thể và các kỹ năng đào tạo được áp dụng một cách đa dạng và linh hoạt tùy theo khả năng tiếp thu của các nhóm học sinh.

Theo ông Dong Fangyi, sau nhiều năm được hướng dẫn và đào tạo, các học sinh tại đây đã dần có khả năng tự chăm sóc cơ bản. Một số em thậm chí có thể làm việc nhà hay tự nấu ăn. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng "sau khi trải qua một thời gian dài đào tạo tương tác, các em có thể dựa vào năng lực của bản thân để có thu nhập, tạo lập những thành tựu cá nhân và nhận được sự coi trọng thực sự của xã hội".

Chứng tự kỷ ở Trung Quốc có tỉ lệ mắc mới hàng năm là 0,7%, và hơn 2 triệu trẻ em dưới 12 tuổi là người tự kỷ. Theo một báo cáo được công bố vào năm 2019, số người mắc bệnh tự kỷ ở Trung Quốc đang tăng khoảng 200.000 trường hợp/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục