Thắp sáng ngọn "hải đăng" trên biển - Bài 1: Gian nan hành trình đưa điện ra đảo

16:18' - 28/05/2024
BNEWS Giữa trùng khơi, điện mặt trời và điện gió đã và đang thắp sáng 33 điểm đảo, nhà giàn DK1 của quần đảo Trường Sa như ngọn Hải đăng trên biển Đông.

Song để mỗi ngọn đèn được sáng, dòng điện hoạt động liên tục nơi đầu sóng ngọn gió là biết bao mồ hôi, công sức, là tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” của những người lính hải quân và công nhân ngành điện Việt Nam.

Bài 1: Gian nan hành trình đưa điện ra đảo

Những ngày đầu tháng 5/2024, Đoàn công tác Điện lực và Quân chủng Hải quân Việt Nam đã có chuyến hải trình vượt gần 1.100 hải lý trên biển Đông, thềm lục địa phía Nam để vừa thăm hỏi, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), nhà giàn DK1 vừa khảo sát, kiểm tra, lắp đặt mới trang thiết bị nâng cao năng suất, hệ thống năng lượng mặt trời tại các điểm đảo, nơi đến.

Nợ người lính đảo giấc ngủ ngon

Năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức tiếp nhận toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời đã qua thời gian sử dụng trên toàn bộ các điểm đảo, nhà giàn DK1. Nhớ lại lần đầu đi tiếp nhận, anh Hồ Thái Yên Kha, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận không khỏi xúc động trước những gian nan của những người lính, người dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.

“Tại thời điểm đó, nhiều thiết bị hệ thống điện năng lượng mặt trời bị hư hỏng, nguồn năng lượng điện thấp nên việc sử dụng điện năng hạn chế. Nhiều nơi đã phải sử dụng nguồn điện dự phòng hay tiết kiệm điện, ưu tiên nguồn điện cho các hoạt động trọng tâm từ khi chập choạng tối”, anh Kha kể lại.

 

Dưới cái nóng hầm hầm của những ngày hè, những người lính đảo thèm một làn gió mát từ chiếc quạt điện để có giấc ngủ ngon nhưng không có. Đến khi có quạt nhưng lại thiếu điện khiến giấc ngủ của những người lính trên đảo trằn trọc… “Những nhân viên ngành điện chúng tôi không khỏi xót xa như nợ họ một giấc ngủ ngon… Bởi điều tưởng chừng dễ ở đất liền, nhưng tại các điểm đảo, nhà giàn giữa biển khơi vô vàn khó khăn, mênh mong…”, anh Kha chia sẻ.

Đó là động lực mà anh Kha cùng đồng đội quyết tâm thực hiện bằng tất cả lòng nhiệt huyết, yêu nghề và tình yêu quê hương đất nước sau nhận nhiệm vụ cung cấp điện cho các điểm đảo, nhà giàn. Đó cũng là lới hứa với quân, dân huyện đảo Trường Sa, là ý thức trách nhiệm mà mỗi nhân viên ngành điện vươt khó quyết tâm cải tạo nâng cấp, đầu tư mới để toàn bộ hệ thống điện Trường Sa và nhà giàn DK1 hoạt động ổn định…

Trở lại các điểm đảo, nhà giàn lần này, Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm hậu cần Quân chủng Hải quân Việt Nam cũng không khỏi được xúc động nhớ lại những năm tháng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biên cương hải đảo, vùng trời, vùng biển Tổ quốc vào những năm 1997, 1998.

Theo Đại tá Cao Văn Sơn, tại thời điểm đó các điểm đảo, nhà giàn chưa có hệ thống điện năng lượng mặt trời, cuộc sống quân và dân còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng mỗi người đều nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến năm 2011, 2012, Tập đoàn Dầu khí đầu tư, đơn vị Điện mặt trời Bách Khoa thi công hệ thống điện năng lượng sạch đã cải thiện được phần nào cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên các điểm đảo, nhà giàn…

“Đến nay, toàn bộ trang thiết bị hệ thống điện được đảm bảo chất lượng tốt hơn. Ở những thời điểm nắng nóng, khi đủ điện, cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa đã có giấc ngủ ngon để đảm bảo sức khỏe. Điện năng lượng giờ đây còn bảo đảm cho y tế, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và chiến sĩ trên các điểm đảo, nhà giàn”, Đại tá Cao Văn Sơn chia sẻ.

Sau gần 1 năm nhận nhiệm vụ tại bệnh xá đảo Song Tử Tây, bác sỹ quân y Nguyễn Xuân Hải cũng nhìn nhận những đổi thay từng ngày trên đảo. “Đặc biệt, trang thiết bị, dụng cụ y tế của bệnh xá ngày càng được đầu tư, điện nước không chỉ được đảm bảo mà còn có cả dự phòng giúp cho việc khám, điều trị cho bệnh nhân ngày càng tốt hơn, chất lượng cao hơn”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.

Tương tự, đảo Song Tử Tây hay Sinh Tồn, An Bang, Colin… giờ đây cũng thay đổi rất nhiều so với trước. Cuộc sống của quân và dân nơi đây không chỉ được bảo đảm mà các đảo còn hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ thiết bị dụng cụ đánh bắt cá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, y tế… “Tuy nhiên, nếu sản lượng điện dồi dào hơn sẽ giúp quân dân quân không chỉ được sử dụng quạt mà còn sử dụng cả máy lạnh để giảm bớt cái oi bức của mùa hè…”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hải mong ước.

Vượt khó đưa điện đến từng điểm đảo

Trong suốt hành trình đưa nguồn điện sạch đến các điểm đảo, nhà giàn, những công nhân ngành điện không chỉ đối mặt với cái gió, cái nắng nóng cháy da mà còn chật vật tranh thủ thời gian hoàn thành khối lượng công việc tại mỗi điểm đến, đảm bảo toàn bộ hệ thống điện được vận hành tốt nhất. Dù hành trình trên biển dài và nhiều gian nan, nhưng mỗi công nhân đều phải đảm bảo sức khỏe, tỉnh táo mỗi khi lên đảo để thực hiện chính xác từng thao tác trong hệ thống điện phúc tạp, để đảm bảo an toàn cho bản thân, cho hệ thống điện toàn đảo, đưa dòng điện thắp sáng từng mái nhà, công trình của điểm đảo…

Lách vào khoảng trống chật hẹp giữa cả trăm bình ắc quy trong trạm điện đảo Song Tử Tây, anh Võ Hoàng Tuấn, Phó phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Ninh Thuận cùng đồng đội kẹp chiếc đồng hồ đo điện vào cọc bình, kiểm tra các thông số, đối chiếu với công suất số lượng tấm pin năng lượng mặt trời rồi nhanh chóng và xác định “bệnh” của từng chiếc bình ắc quy sau thời gian dài sử dụng.

Mồ hôi ướt đẫm áo hòa lẫn đậm hương vị biển, song anh Tuấn vẫn nhẫn nại vệ sinh những cọc bình ắc quy, mạch nối nguồn điện để đảm bảo tiếp điện được tốt nhất; đồng thời, nhắc nhở chúng tôi dòng điện 1 chiều ban đầu khá an toàn nhưng khi điện áp, cường độ dòng điện đạt đến ngưỡng nhất định sẽ gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng…

Theo anh Tuấn, do thời tiết nắng, gió của biển nên các mối nối thường hay gỉ sét làm điện tiếp xúc kém; tác động từ môi trường và việc sử dụng thường xuyên, thời gian dài làm cho một số thiết bị dễ bị hư hỏng, nhất là các bình ắc quy lưu trữ điện, các tấm pin năng lượng mắt trời… “Trường hợp được bảo dưỡng, bảo quản tốt, các thiết bị này ổn định hơn, nhưng cũng không bao lâu bởi khí hậu khắc nghiệt làm thiết bị mau xuống cấp hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn, anh Tuấn ghi lại những thông số trên chiếc đồng đo điện rồi đưa ra đề xuất thay thế, bổ sung mới để đảm bảo điện lưu trữ ổn định.

Do hành trình trên mỗi đảo chỉ hơn 2 giờ, nên anh Hồ Thái Yên Kha, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cũng nhanh chóng khảo sát và định vị các điểm có thể lắp thêm những tấm pin năng lượng mặt trời mới trên các mái nhà để nâng cao công suất điện. Đánh dấu vào bản vẽ thiết kế, anh tiếp tục tìm đến trạm điện… để kiểm tra bộ biến tần (inverter), các thiết bị điện tử, mạch điện biến đổi năng lượng điện; kiểm tra các thông số kỹ thuật, công suất, sản lượng điện tiêu thụ…

“Công việc của những nhân viên ngành điện ở Trường Sa là vậy, chỉ có kiểm tra thực tế mới biết chính xác tình trạng, công suất của những tấm pin năng lượng mặt trời, khả năng lưu trữ của các bình ắc quy và sản lượng điện tiêu thụ. Việc kiểm tra còn giúp xác định được trường hợp bị hư hỏng có thể khắc phục hay hoán đổi để sử dụng tạm thời trong thời gian chờ thay mới để từ đó nâng cao công suất, năng lực cung cấp điện, đảm bảo tính ổn định lâu dài cho từng cụm, khu vực, đảo, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong tình hình mới”, anh Kha chia sẻ.

Mỗi lần ra đảo hay di chuyển giữa các điểm đảo, nhà giàn DK1 khảo sát, kiểm tra mất rất nhiều thời gian. Mỗi lần mang thiết bị, vật tư đưa đến điểm đảo, nhà giàn để lắp đặt, vận hành gặp không ít khó khăn từ khâu bốc xếp, vận chuyển từ bờ xuống tàu, từ tàu xuống thuyền, từ thuyền vào đảo rồi tiếp tục vận chuyển lắp ráp hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, anh Kha khẳng định mục tiêu toàn ngành điện là đảm bảo năng lượng điện đạt được hiệu suất cao nhất để phục vụ đời sống, sinh hoạt, lao động học tập của quân và dân trong toàn điểm đảo, nhà giàn…

>>>Bài cuối: Sức sống mới Trường Sa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục