Thất nghiệp và tốc độ tăng lương - nghịch lý kinh tế Anh

06:30' - 30/09/2018
BNEWS Cùng với việc tạo được nhiều việc làm cho người dân, thì nền kinh tế Anh cũng cho thấy sự bất lực trong việc tăng lương. Lương thực tế tại "xứ sở sương mù" hiện thấp hơn một thập niên trước đây.

Thất nghiệp và tốc độ tăng lương - nghịch lý kinh tế Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Nước Anh đang trải qua một giai đoạn phép màu trên thị trường việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp thuộc hàng thấp nhất ở châu Âu. Đảng Bảo thủ cầm quyền có quyền tự hào về thành tích này. 

Theo tờ The Economist, số liệu thống kê công bố mới đây cho hay tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2018 ở mức 4%, trong khi mức tăng lương nhích lên 2,6% trong ba tháng tính đến tháng 7/2018. Chính phủ Anh có thể ăn mừng về việc tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ những năm 1970, song mức tăng lương nhìn chung vẫn yếu nhất kể từ thời Napoleon.

Một số yếu tố có thể giúp làm rõ vì sao kinh tế Anh lại có tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp đến vậy. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nước Anh có thị trường lao động ít chịu sự điều tiết nhất ở châu Âu.

Việc thuê và sa thải nhân viên dễ dàng hơn nhiều so với các nước khác ở lục địa già như Pháp, khi những tranh cãi xung quanh việc phải sa thải những nhân viên tồi khiến các ông chủ doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ càng ngay khi tuyển dụng. Các chính sách lao động cũng tạo điều kiện cho người Anh dễ dàng tìm được việc làm hơn. 

Trong quá khứ, tỷ lệ thất nghiệp thấp thường song hành với lương tăng đáng kể. Số người tìm việc làm càng ít thì chủ doanh nghiệp càng phải cạnh tranh để tuyển dụng nhân viên. Mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tỷ lệ thất nghiệp và mức tăng lương được thể hiện qua đường cong Phillips. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ này trở nên yếu đi. 

Các nhà kinh tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Đức, đã lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp không tạo ra mức tăng lương cao hơn như người ta trông chờ. Thực tế tỷ lệ thất nghiệp ở mức siêu thấp của Anh, cùng với mức lương đặc biệt thấp rõ ràng đi ngược lại với lý thuyết về đường cong Phillips này. Khi tỷ lệ thất nghiệp của Anh giảm, các nhà kinh tế đổ lỗi cho thời gian và cả việc lương không tăng.

Mức tăng lương tại Anh hiện yếu hơn so với hầu hết các nước phát triển khác. Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là năng suất không tăng kể từ khủng hoảng tài chính, một phần do đầu tư của chính phủ và giới doanh nghiệp ở mức thấp. Xét trong dài hạn, sự thay đổi về lương thực tế phụ thuộc vào năng suất lao động của người lao động trong một giờ. Tỷ lệ sử dụng rô-bốt trên đầu người của Anh thấp hơn so với Slovakia. 

Trong những năm gần đây số việc làm có mức năng suất thấp gia tăng nhanh chóng. Số người làm nghề tạo mẫu tóc tăng 50% kể từ năm 2010. Việc gia tăng những việc làm như vậy đã kéo năng suất trung bình đi xuống. Phân tích cho thấy sự thay đổi về cấu trúc việc làm trên thị trường lao động Anh làm ảnh hưởng đến mức tăng lương thực tế.

Tuy nhiên, năng suất không phải toàn bộ vấn đề. Sản lượng trong năm vừa qua tăng lên, song lương không tăng. Điều này chỉ ra lý do thứ hai dẫn đến tình trạng mức tăng lương yếu, đó là khả năng mặc cả tăng lương của người lao động giảm sút. Sự suy yếu của các nghiệp đoàn lao động là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Thêm vào đó là việc chính phủ áp đặt hạn chế đối với việc tăng lương trong khu vực nhà nước. Kể từ năm 2011, lương của các nhân viên nhà nước tăng không quá 1%/năm về mặt danh nghĩa và như vậy, mức lương ưu đãi dành cho người lao động trong lĩnh vực nhà nước không còn. Khu vực tư nhân cũng bị ảnh hưởng. Nếu chủ lao động không quá lo ngại về việc mất nhân viên, họ sẽ ít có xu hướng muốn tăng lương.

Lý do thứ ba là sự thay đổi trong chính sách phúc lợi kể từ năm 2010, bao gồm việc thắt chặt các quy định về phúc lợi cũng như phúc lợi giảm. Do e ngại về khả năng mất việc làm, người lao động có thể không mặc cả quá quyết liệt để có mức lương tốt hơn.

Có lẽ thị trường lao động Anh cần thắt chặt hơn nữa trước khi mức tăng lương cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, triển vọng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ làm giảm đà chi tiêu và đầu tư, qua đó có thể kiềm chế đà tăng của nhu cầu lao động.

Trong bối cảnh chỉ còn sáu tháng nữa trước khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thực sự sáng, có lẽ sẽ cần một thời gian nữa trước khi tỷ lệ thất nghiệp của Anh có thể song hành với mức tăng lương ấn tượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục