Thất thoát tiền nhà nước tại các dự án phần mềm, Gia Lai kiểm điểm nhiều lãnh đạo, công chức

14:58' - 27/07/2022
BNEWS Mới đây, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã có báo cáo kết quả kiểm điểm công chức, cá nhân có liên quan, thực hiện xử lý sau thanh tra việc đầu tư, mua sắm các dự án phần mềm.

Giám đốc Sở, nguyên Giám đốc Sở cùng nhiều Trưởng, Phó trưởng Phòng của hai sở này bị kiểm điểm vì để xảy ra thất thoát 2,7 tỷ đồng tại các dự án phần mềm công nghệ thông tin trong đơn vị.

 

Theo báo cáo số 2270 của Sở Tài chính Gia Lai về kết quả kiểm điểm công chức, cá nhân có liên quan, thực hiện xử lý sau thanh tra theo Kết luận số 09 KL/TTr ngày 21/6/2022 của Thanh tra tỉnh về thanh tra việc đầu tư, mua sắm các dự án phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong Sở Tài chính, nhiều lãnh đạo, công chức, cá nhân có liên quan bị kiểm điểm.

Ngoài Giám đốc, Phó Giám đốc, 10 người khác là Trưởng, Phó trưởng phòng, chuyên viên Sở Tài chính bị kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Nguyễn Dũng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài Chính, giai đoạn 2016-2020 nhận hình thức “nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc”. Bà Phạm Thị Huệ, Phó Giám đốc Sở nhận hình thức “nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Các cá nhân bị kiểm điểm trách nhiệm gồm: Nguyễn Hữu Thảo (Chánh Thanh tra Sở Tài chính kiểm điểm với trách nhiệm nguyên Chánh Văn phòng Sở Tài chính, Trưởng ban Quản lý dự án); Nguyễn Quốc Sơn (nguyên Trưởng Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp); Nguyễn Minh Khoa (Trưởng Phòng Quản lý Giá công sản); Bùi Thị Hồng Tân (Phó Trưởng Phòng Quản lý Giá công sản); Nguyễn Trọng Tiến (Trưởng Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp, kiểm điểm với trách nhiệm nguyên Phó Trưởng Phòng Tài chính đầu tư); Lê Bá Chiêu (Phó Trưởng Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp); Trương Thanh Tùng (Trưởng Phòng Quản lý ngân sách, kiểm điểm với trách nhiệm nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tin học và Thống kê); Hà Thị Bích Ngọc (kế toán Sở Tài chính); Sử Minh Hiếu (chuyên viên Phòng Quản lý ngân sách, kiểm điểm với trách nhiệm nguyên là chuyên viên Phòng Tin học và Thống kê) và Dương Thanh Trung (chuyên viên Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp).

Tuy nhiên, khi tập thể Sở Tài chính tiến hành bỏ phiếu thăm dò việc lấy ý kiến về việc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật hay không kỷ luật đối với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên sở này, kết quả 100% phiếu đề nghị không kỷ luật.

Ba cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông được cử hỗ trợ Sở Tài chính thực hiện phần mềm cũng bị kiểm điểm. Đó là Trưởng Phòng Công nghệ thông tin Phan Đình Hiếu, chuyên viên Phòng Công nghệ thông tin Nguyễn Nam Phương, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Thông tin và Truyền thông (đã nghỉ việc năm 2019) Nguyễn Thị Như Hiền.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ liên quan đến sai phạm tại các dự án mua phần mềm gây thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó, ông Huỳnh Minh Thuận, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện là Bí thư Huyện ủy Chư Pưh (Gia Lai). Ông Thuận bị kiểm điểm do năng lực cá nhân về chuyên môn công nghệ thông tin, tài chính còn hạn chế. Ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bị kiểm điểm vì thiếu kiểm tra, giám sát các dự án phần mềm mà ông phụ trách đầu tư mua sắm từ năm 2018-2020, để xảy ra các sai phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng. Ông Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo bị kiểm điểm do tham mưu trực tiếp để xảy ra sai phạm 10/14 dự án phần mềm.

Theo tiến trình vụ việc, giữa tháng 11/2021, UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra đầu tư, mua sắm các dự án phần mềm tại 6 sở của tỉnh. Đó là các sở: Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ. Tổng số tiền thực hiện mua sắm tại 6 sở này hơn 220 tỷ đồng. Các đơn vị đã được thanh toán hơn 126 tỷ đồng. Thời gian thanh tra diễn ra trong quý I năm 2022. Kế hoạch thanh tra đã được Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy.

Qua thanh tra, tỉnh Gia Lai phát hiện có nhiều dự án phần mềm có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhiều dự án hiệu quả sử dụng không cao… gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo làm thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng; Sở Tài chính làm thất thoát hơn 400 triệu đồng, Sở Thông tin và Truyền thông làm thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục