Thay đổi mô hình quản lý để phù hợp với vai chủ đầu tư dự án

14:04' - 07/01/2023
BNEWS Năm 2023, kế hoạch vốn Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 6 là 10.885 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2022.
"Các Ban quản lý dự án của Bộ cần thay đổi mô hình quản lý để phù hợp với chức năng, nhiệm là chủ đầu tư các dự án; trong đó Ban Quản lý dự án 6 cần tiên phong". Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Ban Quản lý dự án 6 diễn ra sáng 7/1, tại Hà Nội.

 
Cụ thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, với việc "sắm" hai vai vừa là chủ đầu tư, vừa là đại diện chủ đầu tư các dự án, Ban Quản lý dự án 6 nói riêng và các Ban quản lý dự án nói chung phải xây dựng mô hình quản lý phù hợp trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, phân vai nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong công tác chỉ đạo, điều hành, kỷ cương phải được siết chặt, có cơ chế thưởng - phạt rõ ràng, chính sách phù hợp, xứng đáng với những cán bộ làm nhiệm vụ tại hiện trường.

Xác định năm 2023, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công sẽ nặng nề hơn (số tiền cần giải ngân gấp 2,7 lần năm 2022), Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 phải nghiên cứu cách làm khoa học. Công tác thanh quyết toán phải đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự 6 thông tin, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát công trường, lập kế hoạch thi công cụ thể phù hợp với điều kiện thời tiết, kiểm soát nguồn tài chính của nhà thầu để bảo đảm thi công đúng tiến độ các dự án.

Trong đó, tại dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, sản lượng thi công đến nay đạt 61% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch. Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh đã được khởi công ngày 1/1/2023. Riêng gói thầu xây lắp XL01 dự án Vũng Áng - Bùng đang hoàn thiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế hạng mục phòng cháy chữa cháy hầm Đèo Bụt để triển khai các bước tiếp theo.

Dự án cải tạo nâng cấp tuyến tránh Quốc lộ 6 đoạn qua thành phố Hoà Bình đã khởi công ngày 25/12/2022, Ban Quản lý dự án 6 đang đôn đốc các nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực… triển khai đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) đã hoàn thành thi công và bàn giao sử dụng 515 trong tổng số 52 cầu, còn lại 8 cầu đang thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2023. Hợp phần đường đã thi công hoàn thành 1.104 km đường, đang triển khai công tác xây lắp vốn dư tại 3 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Nam Định.

"Về công tác giải ngân, năm 2022, tổng số vốn Ban Quản lý dự án 6 được giao là 3.994 tỷ đồng. Trong đó, vốn nước ngoài 52 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 3.942 tỷ đồng (phần Ban Quản lý dự án 6 là 3.208 tỷ đồng; công tác giải phóng mặt bằng là 786 tỷ đồng).

Đến ngày 6/1/2023, khối lượng giải ngân đạt 3.839 tỷ đồng đạt 96,12% kế hoạch. Trong đó, vốn nước ngoài 52 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 3.787 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ được Ban Quản lý dự án 6 tiếp tục giải ngân trong tháng 1/2023, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch được giao", ông Trần Hữu  Hải cho hay.

Năm 2023, kế hoạch vốn Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 6 là 10.885 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2022, tập trung chủ yếu tại các dự án cao tốc trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (2.675 tỷ đồng); đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (1.869 tỷ đồng); cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đoạn Vũng Áng - Bùng (3.531 tỷ đồng); đoạn Bùng - Vạn Ninh (2.613 tỷ đồng)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục