Thấy gì từ việc Canada củng cố quan hệ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

10:47' - 02/01/2023
BNEWS Việc Canada thúc đẩy tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng là dấu hiệu cho thấy Ottawa mong muốn củng cố các mối quan hệ bền chặt hơn tại khu vực quan trọng này.

Theo giới quan sát, việc Canada thúc đẩy tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) là dấu hiệu cho thấy Ottawa mong muốn củng cố các mối quan hệ bền chặt hơn tại khu vực vô cùng quan trọng này.

 

Mặc dù IPEF chưa phải là một hiệp định thương mại chính thức, nhưng 14 nước tham gia đàm phán - những quốc gia đang chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới - đang theo đuổi sự hợp tác lớn hơn về các vấn đề bao gồm thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chính sách thuế và chống tham nhũng.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhiều chuyên gia cho rằng, điều cần thiết là Canada có tư cách thành viên IPEF càng sớm càng tốt, trong bối cảnh Canada phải củng cố uy tín của mình với Mỹ và các đồng minh quan trọng khác trong khu vực.

Ông Grantly Franklin, người phát ngôn của Bộ Các vấn đề toàn cầu (GAC), cho biết Canada đang tiếp tục thảo luận với chính quyền Mỹ và các nước khác tham gia đàm phán IPEF liên quan đến việc nhanh chóng tham gia khuôn khổ này và thúc đẩy các ưu tiên chung, cũng như lợi ích rộng lớn hơn của Canada trong khu vực.

Đầu tháng này, các nước tham gia đàm phán IPEF đã kết thúc một loạt các cuộc thương lượng tại Australia. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 2/2023, với Ấn Độ là nước chủ nhà.

Ông Goldy Hyder, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp Canada, nhấn mạnh rằng việc tham gia IPEF sẽ cho phép Canada tăng cường liên kết với các quốc gia không phải là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Mỹ.

Theo GAC, trước tiên Ottawa cần  có một ghế trong bàn đàm phán. Sau đó, các mục tiêu của Canada bao gồm tăng cường hội nhập khu vực, thúc đẩy lợi ích chung trong khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sạch và chống tội phạm.

Chính phủ của Thủ tướng Trudeau cũng đã nhấn mạnh sự quan tâm của Ottawa đối với việc tham gia IPEF trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố gần đây, lưu ý rằng điều này sẽ giúp khai phá các thị trường mới cho hàng xuất khẩu của Canada.

Ông Franklin cho biết, Ottawa tin tưởng rằng IPEF sẽ đóng góp vào các mục tiêu chính của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Canada và sẽ giúp thúc đẩy một trật tự kinh tế khu vực bền vững và dễ đoán định hơn. Là quốc gia đi đầu trong việc phát triển các tiêu chuẩn thương mại, công nghệ, lao động và môi trường, Canada có thể gia tăng giá trị cho IPEF.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng IPEF phù hợp với lợi ích kinh tế của Canada. Nếu Canada được nhanh chóng thông qua tư cách thành viên của IPEF thì đây sẽ là một chiến thắng sớm cho Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ottawa, bao gồm các khoản đầu tư mới với tổng trị giá gần 2,3 tỷ CAD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục