Thế giới sẽ như thế nào khi giá Bitcoin giảm về ngưỡng 0 đồng?

09:00' - 18/08/2021
BNEWS Để nắm bắt được các mối liên kết ngày càng gia tăng giữa thị trường tiền điện tử và các thị trường chính thống khác, hãy tưởng tượng thế giới sẽ như thế nào nếu giá Bitcoin giảm về ngưỡng 0?

Theo đánh giá của tạp chí The Economist (Anh), sự bùng nổ gần đây của tiền điện tử là một điều đáng kinh ngạc. Nếu như một năm trước đây, chỉ có khoảng 6.000 đồng tiền được liệt kê trên trang web CoinMarketCap chuyên theo dõi về biến động các đồng tiền đang được niêm yết trên thị trường, thì giờ đây con số này đã lên tới 11.145 loại.

Tính đến ngày 1/8/2021, giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử đã tăng vọt lên 1.600 tỷ USD, gần tương đương với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Canada. 

Trong khi đó, những người sở hữu tiền điện tử đang ngày càng “chịu chơi” hơn. Các tổ chức đóng góp đến 63% khối lượng giao dịch, tăng từ mức 10% của năm 2017.

Một ví dụ điển hình là quỹ đầu cơ SkyBridge Capital do Cựu Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci điều hành. Để đa dạng hóa nguồn quỹ trị giá 3,5 tỷ USD, tháng 11/2020, quỹ này bắt đầu đầu tư vào tiền điện tử. Đến tháng 1/2021, SkyBridge Capital tiếp tục ra mắt quỹ Bitcoin trị giá 500 triệu USD. 

Đến nay, SkyBridge Capital đang quản lý danh mục 26.000 khách hàng, bao gồm các cá nhân giàu có, các quỹ đầu tư quốc gia và con số này đang tăng lên. Bitcoin hiện chiếm 9% giá trị tài sản chính của SkyBridge Capital, tăng từ mức 5% trước đó, trong khi quỹ dành cho đồng tiền này đang được định giá khoảng 700 triệu USD. 

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đã không thể chế ngự được tính chất dễ biến động mạnh đặc trưng của thị trường tiền điện tử. Giá đồng Bitcoin đã giảm từ mức 64.000 USD trong tháng 4/2021 xuống còn 30.000 USD vào tháng 5/2021. Giá đồng tiền kỹ thuật số này hiện dao động quanh mức 46.000 USD, sau khi có lúc đã giảm xuống chỉ còn 29.000 USD vào ngày 29/7 vừa qua.

* “Hiệu ứng domino” trên các thị trường tài chính nếu Bitcoin sụp đổ

Các chuyên gia cho rằng có vẻ như thị trường đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với tiền điện tử. Các nhà giao dịch giờ đây đang thực hiện phần lớn các lệnh mua bán tự động khi giá Bitcoin giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định nào đó. Tuy nhiên, để nắm bắt được các mối liên kết ngày càng gia tăng giữa thị trường tiền điện tử và các thị trường chính thống khác, hãy tưởng tượng thế giới sẽ như thế nào nếu giá Bitcoin giảm về ngưỡng 0?

Lộ trình này có thể được kích hoạt từ các cú sốc mang tính hệ thống, chẳng hạn như lỗi kỹ thuật hay một vụ tin tặc tấn công nghiêm trọng nhắm vào một sàn giao dịch tiền điện tử lớn. Ngoài ra, cũng có thể là những cú sốc đến từ bên ngoài, chẳng hạn như việc các cơ quan quản lý siết chặt quy định hoặc động thái nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương, dẫn đến sự kết thúc đột ngột của giai đoạn “mọi thứ đều tăng giá” trên thị trường.

Nhà đầu tư tiền điện tử được chia làm ba loại, theo chuyên gia Mohamed El-Erian của công ty bảo hiểm và quản lý tài sản Allianz. Đó là “Những người theo chủ nghĩa cơ bản”, những người tin rằng một ngày nào đó Bitcoin sẽ thay thế tiền tệ do chính phủ phát hành; những "Chiến thuật gia” cho rằng giá trị của tiền điện tử sẽ tăng lên khi có nhiều người đầu tư; và "Nhà đầu cơ", những người chỉ đơn giản là muốn đánh bạc.

Mặc dù sự sụp đổ sẽ là một nỗi thất vọng lớn đối với nhóm đầu tiên, nhưng nhóm này ít có khả năng “xả hàng” nhất. Trong khi đó, nhóm thứ ba gần như chắc chắn sẽ bỏ chạy khi những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện. Do đó, để tránh tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường, nhóm thứ hai cần được thuyết phục ở lại. Tuy nhiên, họ sẽ không làm như vậy nếu giá giảm xuống ngưỡng 0.

Một cú sốc như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường tiền điện tử. Những người khai thác Bitcoin lâu nay vốn cạnh tranh với nhau để được xác thực các giao dịch và mang về những đồng tiền mới. Giờ đây, họ sẽ có ít động lực hơn để tiếp tục. Điều này khiến quá trình xác minh và nguồn cung Bitcoin bị ngừng lại. 

Trong khi đó, giới đầu tư có thể cũng sẽ bán đi các loại tiền điện tử khác. Chuyên gia Philip Gradwell của công ty phân tích dữ liệu Chainalysis nhận định, những “cơn cuồng phong” gần đây cho thấy các đồng tiền kỹ thuật số khác đang đi theo “dấu chân” của Bitcoin. 

Hậu quả là một lượng của cải đáng kể sẽ bị mất đi. Trong khi những người nắm giữ Bitcoin dài hạn sẽ phải chịu những khoản lỗ tương đối nhỏ so với mức giá họ đã trả (mặc dù họ sẽ đánh mất những khoản lợi nhuận lớn chưa có được), đối tượng chịu thua lỗ nặng nề nhất sẽ là những người mua Bitcoin từ cách đây chưa đầy một năm với mức giá trung bình là 37.000 USD.

Nhóm này sẽ bao gồm hầu hết các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu cơ, những khoản tài trợ của trường đại học, quỹ tương hỗ và một số công ty. Tổng giá trị bị “xóa sổ” sẽ vượt quá giá trị vốn hóa thị trường của các tài sản kỹ thuật số. 

Ngoài ra, những khoản đầu tư tư nhân vào các công ty kinh doanh tiền điện tử, như các sàn giao dịch (với giá trị lên tới 37 tỷ USD kể từ năm 2020) hay các công ty tiền điện tử được niêm yết (trị giá khoảng 90 tỷ USD), cũng có khả năng bị “quét sạch”.

Các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như PayPal, Revolut và Visa sẽ mất đi phần lớn hoạt động kinh doanh đang phát triển và sinh lời, điều này sẽ làm giảm giá trị của họ. Những công ty khác chẳng hạn như Nvidia, một nhà sản xuất vi mạch, cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Ước tính, một đợt chấn động trên thị trường tiền điện tử có thể làm “bốc hơi” số tiền lên đến 2 triệu USD, cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của Amazon, và thảm kịch này có thể tràn sang cả những kênh đầu tư tài sản khác.

Kênh đầu tiên là các đòn bẩy tài chính. Có đến 90% số tiền đầu tư vào Bitcoin được chi cho các công cụ phái sinh. Hầu hết trong số này được giao dịch trên các sàn giao dịch điện tử chưa được pháp luật công nhận, chẳng hạn như ftx và Binance. 

Tại những sàn này, khách hàng được vay ký quỹ với khối lượng lớn hơn. Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện khi thị trường trải qua một đợt điều chỉnh giá, dù ở một mức độ vừa phải, cũng có thể đẩy nhà đầu tư vào thế “margin call” - tức là lệnh dừng ký quỹ, xảy ra khi giá trị khoản đầu tư rơi xuống dưới ngưỡng an toàn so với tài sản đảm bảo, buộc các công ty cho vay ký quỹ khi đó phải yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền hoặc thanh lý bớt tài sản.

Điều này một lần nữa đẩy giá tiền ảo xuống mức thấp hơn và tạo ra rủi ro khi các sàn giao dịch phải gánh những khoản lỗ lớn vì nợ không thể trả.

Trong khi đó, việc phải đối mặt với lệnh “margin call” có thể buộc các nhà đầu tư phải bán đi các loại tài sản khác để giải phóng tiền mặt, hoặc họ cũng có thể đơn giản là lựa chọn từ bỏ những tài sản tiền điện tử không còn nhiều giá trị. 

Rủi ro cũng xảy ra nếu các sàn giao dịch hợp pháp hoặc thậm chí là các ngân hàng đã giải ngân các khoản vay sau đó được đầu tư vào Bitcoin. Một số thậm chí vay tiền mặt sử dụng tài sản thế chấp là tiền điện tử.

* Tiền điện tử ngày càng gắn bó với các kênh tài chính thông thường

Kênh đầu tư thứ hai bị ảnh hưởng là stablecoin, đồng tiền điện tử được thiết kế để mô phỏng giá trị của các đồng tiền pháp định (đồng tiền được pháp luật công nhận) như đồng USD hoặc đồng euro.

Thị trường stablecoin, điển hình là Tether và USD Coin, hiện có giá trị hơn 100 tỷ USD. Do việc hoán đổi giữa đồng USD và Bitcoin thường kéo dài và tốn kém, các nhà giao dịch thường chọn tái đầu tư qua kênh stablecoin. Ví dụ, do được “neo” với đồng USD nên việc đổi từ Tether sang tiền mặt dễ hơn nhiều so với việc đổi từ các đồng tiền số khác. 

Đồng Tether được phát hành bởi một công ty có tên là Tether Limited và công ty này hiện đang nắm giữ khối lượng tài sản lớn, trong đó có 50% là các thương phiếu, 12% là khoản vay có bảo đảm, 10% trái phiếu doanh nghiệp, quỹ và kim loại quý. Khi rủi ro xảy đến khiến giới đầu tư phải từ bỏ stablecoin, các nhà phát hành loại tiền này đối mặt với rủi ro buộc phải bán đi tài sản của mình, từ đó tạo ra một hiệu ứng domino. 

Thứ ba, một "thảm kịch" tiền điện tử, nếu xảy ra, cũng có thể tạo ra những tác động tâm lý lớn. Dù vậy, ảnh hưởng về quy mô là không thật sự rõ ràng, bởi thực tế là đến nay đã có nhiều tổ chức tham gia vào thị trường tiền điện tử, song họ không “cược” phần nhiều tài sản vào đó và vì vậy tổn thất dù ở trên diện rộng, nhưng quy mô sẽ không quá lớn.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng dường như đang “miễn nhiễm” và hầu hết sẽ không vội vàng đưa Bitcoin vào bảng cân đối kế toán trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, có một thực tế là môi trường lãi suất thấp đang khiến các nhà đầu tư chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Trong những tháng gần đây, mối tương quan giữa giá Bitcoin và cổ phiếu meme (những cổ phiếu được thúc đẩy bởi các diễn đàn Internet) và thậm chí cả cổ phiếu nói chung, đã tăng lên.

Đây là kết quả của việc các nhà giao dịch lựa chọn tiền điện tử để tái đầu tư những khoản lãi từ chứng khoán và ngược lại. Sự hoảng loạn và bán tháo sẽ bắt đầu từ những người có sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính nhất - thường là các cá nhân hoặc quỹ đầu cơ - trong những lĩnh vực rủi ro cao như cổ phiếu meme, trái phiếu "rác"…

Trong khi đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ làm điều này sau một bước, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm nghiêm trọng. 

Xét cho cùng, đòn bẩy tài chính, stablecoin và niềm tin thị trường chính là những “kênh lan truyền” bất đắc dĩ của bất kỳ cuộc suy thoái tiền điện tử nào, dù lớn hay nhỏ. 

Và có một xu hướng không thể phủ định đó là tiền điện tử đang ngày càng trở nên gắn bó hơn với các kênh tài chính thông thường. Khi lĩnh vực tiền điện tử được mở rộng, thì rủi ro gây ra gián đoạn thị trường rộng lớn hơn cũng sẽ đến./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục