Thế khó trong cơ giới hóa sản xuất lúa các tỉnh phía Bắc

15:30' - 10/07/2020
BNEWS Ở khâu gieo sạ, cấy lúa, tốc độ cơ giới hóa tăng trưởng khá tuy nhiên vẫn còn đạt thấp, từ mức 5% vào năm 2008 nay đã đạt 30%; trong đó, Đồng bằng sông Hồng đạt 25% và Đồng bằng sông Cửu Long đạt 65%.

Ngày 10/7, tại tỉnh Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp tổ chức diễn đàn “Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc” với sự tham gia của đại diện nhà quản lý ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hà Nội.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ giới hóa giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, đây cũng là động lực tạo ra các chuỗi liên kết, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa mạnh mẽ, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, hiện nay trong sản xuất lúa của các tỉnh phía Bắc, cơ giới hóa khâu gieo cấy còn đạt thấp.

Ông Thanh cho rằng, diễn đàn là dịp để đánh giá những kết quả, vướng mắc trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, nhất là khâu gieo cấy. Từ đó, tìm giải pháp, kêu gọi các tổ chức doanh nghiệp đồng hành để nâng cao tỷ lệ này trong những năm tiếp theo.

Thời gian qua, cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên cả nước đã đạt những thành tựu đáng kể. Tuy vậy, mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa chưa toàn diện, chỉ mới cao ở một số khâu và khả năng ứng dụng cơ giới hóa còn khác nhau giữa các vùng miền.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nhiều khâu trong sản xuất lúa đã cơ giới hóa ở mức cao.

Ở khâu làm đất bằng máy, bình quân toàn quốc đã tăng từ 75% năm 2008 lên 95% vào năm 2019; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu long và Đồng bằng sông Hồng đạt gần 100%, vùng trung du miền núi phía Bắc đạt 68%.

Khâu chăm sóc lúa, bảo vệ thực vật, tỷ lệ cơ giới hóa từ 55% vào năm 2008 lên 75% vào năm 2019. Ở khâu thu hoạch, tốc độ cơ giới hóa tăng khá nhanh, năm 2008 mới đạt 15% đến nay đã đạt 70%...

Ở khâu gieo sạ, cấy lúa, tốc độ cơ giới hóa tăng trưởng khá tuy nhiên vẫn còn đạt thấp, từ mức 5% vào năm 2008 nay đã đạt 30%; trong đó, Đồng bằng sông Hồng đạt 25% và Đồng bằng sông Cửu Long đạt 65%.

So với cả nước, cơ giới hóa trong sản xuất lúa của các tỉnh phía Bắc thấp hơn phía Nam. Những tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mức độ cơ giới hóa đạt cao, tiêu biểu như: tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình và thành phố Hà Nội, một số khâu như làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt 80%.

Nhiều ý kiến tại hội nghị nhìn nhận thẳng thắn rằng, hiện còn nhiều hạn chế trong ứng dụng cơ giới hóa sản xuất lúa.

Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ; cơ khí trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp đã được ban hành tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg nhưng người dân vẫn khó tiếp cận vốn vay; cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp chưa hấp dẫn.

Đặc biệt, quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo cho nhu cầu phát triển cơ giới hóa, hiện đại hóa.

Cơ chế chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp đã được ban hành nhưng tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt là về cơ chế tài chính do nguồn lực hạn chế.

Một số nguyên nhân khiến tỷ lệ gieo cấy máy tại các tỉnh phía Bắc còn thấp cũng được các đại biểu chỉ ra. Tình trạng nhiều ruộng nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phổ biến.

Chi phí đầu tư cho làm mạ khay lớn nên ít hộ dân có đủ khả năng đầu tư. Khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn hạn chế.

Nhận thức người dân và cấp ủy đảng, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến những tiến bộ kỹ thuật mới, vẫn chưa thay đổi được thói quen cấy truyền thống…

Trước đó, tại buổi trình diễn cấy máy trên cánh đồng tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày 9/7, ghi nhận những nỗ lực của một số địa phương trong triển khai cấy máy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đánh giá, khâu khó nhất hiện nay trong gieo cấy máy cần giải quyết là làm mạ khay sao cho thật đơn giản, giá thành giảm để người dân dễ tiếp cận.

Đồng thời, các địa phương cần hình thành được các tổ dịch vụ, hợp tác xã, làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Đây là bước rất quan trọng, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất hoạt động của máy cấy.

Nâng tỷ lệ gieo cấy bằng máy đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều tỉnh phía Bắc quan tâm. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, tỷ lệ cấy máy hiện nay tại Hải Dương tuy đã tăng đáng kể nhưng cũng chỉ mới 8% trong tổng diện tích lúa toàn tỉnh.

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Đề án phát triển diện tích cấy máy giai đoạn 2020 – 2025. Phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 20.000 ha được gieo mạ khay.

Nhiều giải pháp được đưa ra như hỗ trợ cơ sở sản xuất mạ khay, hỗ trợ nông dân cấy máy, tập huấn kỹ thuật cho nông dân…

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cũng thông tin, tỉnh đang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập”, thực hiện trong năm 2020 – 2021.

Hưng Yên phấn đấu trong thời gian tới, diện tích lúa được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái đạt 30-50%, phấn đấu khoảng 50-60% diện tích lúa được gieo cấy bằng máy.

Nhiều giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã được đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nêu tại hội nghị.

Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng ruộng, giao thông nội đồng; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ mới là những giải pháp ưu tiên.

Cùng với đó, phát triển thị trường máy nông nghiệp; Hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy nông nghiệp và chất lượng nông sản chế biến; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cơ giới hóa; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch./.               

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục