Thêm cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển

19:57' - 19/04/2019
BNEWS Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh, nếu tư nhân đóng vai trò quyết định thì rất cần cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển.

"Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh, nếu tư nhân đóng vai trò quyết định thì rất cần cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển".

Ông Trịnh Văn Quyết-Chủ tịch Tập đoàn FLC tại Hội thảo "Du lịch Quảng Ninh vươn tầm di sản".

Thông tin này đã được ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chia sẻ tại hội thảo "Du lịch Quảng Ninh - Vươn tầm di sản"do UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội các Tổ chức Dịch vụ Phát triển Kinh doanh Việt Nam (VABO), Diễn đàn Đầu tư (BizLIVE.vn) và Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long ngày 19/4.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Long-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Với các di sản thiên nhiên, văn hóa, chào đón du khách đến với Quảng Ninh hôm nay là một hình ảnh Hạ Long - Quảng Ninh thơ mộng, trẻ trung, năng động.

Cùng đó, con người Quảng Ninh thân thiện, mến khách và một hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp cao của các tập đoàn lớn như Sungroup, FLC, Vingroup… đã và đang triển khai theo Quy hoạch phát triển du lịch, đem đến những trải nghiệm thú vị.

Ông Nguyễn Đức Long-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Thống kê cho thấy, năm 2018, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu hết sức nổi bật, ấn tượng: Tỉnh có số thu nội địa đứng thứ 5 cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2 năm liền đứng đầu các địa phương cả nước; đăng cai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2018 và Diễn đàn du lịch ASEAN 2019.

Đặc biệt, du lịch Quảng Ninh đón 12,28 triệu lượt du khách, tăng 24% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng 22,1% cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó là sự thay đổi diện mạo đô thị, các công trình hạ tầng mới được đưa vào khai thác; các khách sạn, cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới ra đời với chất lượng ngày càng cao hơn; nhận thức về du lịch thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Theo ông Nguyễn Đức Long, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu của Quảng Ninh là đón 15-16 triệu lượt du khách; trong đó có 7 triệu khách quốc tế vào năm 2020. Đến năm 2030, tổng khách du lịch đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt, góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ đi đầu vào năm 2020.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, du lịch Quảng Ninh còn gặp rất nhiều thách thức bởi vừa phải tập trung phát triển nhanh du lịch, vừa phải chú trọng bảo tồn các di sản thiên nhiên, văn hóa với các ngành sản xuất công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng để phát triển bền vững.

Ngoài ra, phát triển du lịch đồng bộ với việc phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; phát triển du lịch với việc thúc đẩy các loại hình văn hóa bản địa, tạo được sự riêng biệt của điểm đến Hạ Long.

Mặt khác,  đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao; quyết liệt trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh để mang lại hình ảnh tốt đẹp trong du khách.

Vì vậy, Quảng Ninh với quyết tâm chính trị cao nhất sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch.

Ông Phạm Ngọc Thủy-Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Đề cập đến những cơ hội, thách thức đối với du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây, khách du lịch đến với Quảng Ninh mới biết đến một số địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Yên Tử... Tuy nhiên, thực tế Quảng Ninh còn có 600 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Có thể thấy, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban cho điều kiện tự nhiên, văn hóa làm tiền đề phát triển du lịch.

Ngoài ra, các dân tộc thiểu số cũng góp phần làm đa dạng hóa hoạt động du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp gắn với du lịch, văn hóa bản địa. Vừa qua, Quảng Ninh cũng đã tổ chức thành công Làng văn hóa yêu nước ở Đông Triều mục tiêu đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ cơ bản trở thành tỉnh du lịch dịch vụ hiện đại.

Ông Phạm Ngọc Thủy cũng chỉ ra thực tế rằng: Thời gian qua, ngoài đầu tư từ phía Nhà nước, Quảng Ninh còn nhận được sự đầu tư của các tập đoàn tư nhân vào hạ tầng du lịch, hệ thống giao thông, kết nối tạo sức lan tỏa lớn.

Hiện Quảng Ninh chưa có đường hàng không nên kết nối khó khăn nhưng đã có rất nhiều hãng hàng không đã đặt vấn đề với tỉnh để kết nối các địa bàn trong nước và nước ngoài. Điều này đã tạo thành vòng cung khép kín, tiết kiệm thời gian đi lại cho khách du lịch.

Bà Hương Trần Kiều Dung-Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC chia sẻ về việc đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết: Thời gian qua, tăng trưởng của du lịch Quảng Ninh luôn ở mức 2 con số, điều này có được nhờ nhiều yếu tố; trong đó phải kể đến tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương, chiến lược đầu tư vào tỉnh nhà để định hình thương hiệu. Đây cũng là mục tiêu hướng tới mà Tập đoàn FLC quyết định đầu tư, mong muốn tạo thêm hàng nghìn công ăn việc làm tại địa phương.

Không những thế, sự ra đời của sân bay Vân Đồn có thể coi như lợi thế lớn để phát triển du lịch, hãng hàng không Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở đường bay đến nhiều địa phương trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu của khách nội địa và quốc tế đến Quảng Ninh và Hạ Long.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch bàn giải pháp để du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Để phát triển du lịch Quảng Ninh, việc kết nối hạ tầng sẽ tạo điều kiện tốt hơn giúp mở rộng không gian du lịch. Trong thời gian tới, với sự quan tâm của tỉnh, sự đồng lòng của doanh nghiệp sẽ tạo động lực thực sự cho sự phát triển du lịch của địa phương.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các hướng phát triển xanh, hạ tầng xanh, hạn chế bớt bê tông hóa, tạo ấn tượng đặc biệt nổi bật giúp giải tỏa cho thành phố Hạ Long và Bãi Cháy. Việc đầu tư mở rộng ra Vân Đồn có thể phân phối lượng khách, phát triển xứng tầm và là động lực cho sự phát triển du lịch Việt Nam”. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục