Thêm dư địa, động lực phát triển mới cho “đầu tàu kinh tế”

07:47' - 18/04/2025
BNEWS Khu vực Đông Nam Bộ dự kiến thành lập hai đơn vị hành chính cấp tỉnh mới được nhận định sẽ mở ra dư địa phát triển mới, tạo thêm động lực phát triển mới cho “đầu tàu kinh tế”.

Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được Trung ương thống nhất, khu vực Đông Nam Bộ dự kiến thành lập hai đơn vị hành chính cấp tỉnh mới là Thành phố Hồ Chí Minh (sáp nhập địa giới hành chính hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Đồng Nai (hợp nhất hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước). Điều này được nhận định sẽ mở ra dư địa phát triển mới, tạo động lực đưa Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá.

Từ “tam giác phát triển” đến siêu đô thị

Vùng Đông Nam Bộ là “đầu tàu kinh tế”, “đầu tàu tăng trưởng” của Việt Nam trong 50 năm qua. “Hạt nhân” Thành phố Hồ Chí Minh cùng với hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương được xem là những cực tăng trưởng của vùng kinh tế Đông Nam Bộ và cả nước.

Thực tế cho thấy, mối liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành từ lâu và phát triển một cách tự nhiên. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính – thương mại lớn nhất cả nước, nơi tập trung hệ thống ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, các khu công nghệ cao và hệ thống đổi mới sáng tạo.

 

Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn của công nghiệp chế biến – chế tạo, nhờ hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ và chính quyền năng động, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt. Bà Rịa - Vũng Tàu nắm giữ những lợi thế chiến lược về cảng biển nước sâu, ngành công nghiệp năng lượng và du lịch biển đảo.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, sự phân tán về hành chính khiến cả ba địa phương không thể vận hành như một hệ thống đô thị thống nhất. Các dự án hạ tầng giao thông liên tỉnh thường bị chia cắt, thiếu đầu mối điều phối. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, logistics hay du lịch bị trùng lặp, cạnh tranh nội vùng, gây lãng phí nguồn lực.

“Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện hợp nhất thể chế, giúp quy hoạch phát triển theo không gian chức năng liên kết, tổ chức lại các cực tăng trưởng, cân bằng giữa phát triển đô thị – công nghiệp – biển – nông thôn. Đây chính là cách xây dựng một “siêu đô thị tích hợp”, có khả năng phát triển hài hòa và bền vững hơn nhiều so với mô hình phát triển đơn lẻ hiện nay. Các mô hình đại đô thị thành công trên thế giới đều có một điểm chung, đó là sự tái cấu trúc mạnh mẽ về thể chế quản trị, đi kèm với một chiến lược phát triển lâu dài” - Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) nhấn mạnh.

Tư duy mới về siêu đô thị với sự tái cấu trúc về thể chế quản trị, nâng cao năng lực quản lý được Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Luật Hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, để vận hành một siêu đô thị có quy mô tầm cỡ Châu Á, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào việc xây dựng cơ chế quản lý đặc thù, theo hướng đổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Thành phố cần xây dựng cơ chế quản lý theo mô hình chính quyền đô thị hoàn chỉnh với mức độ phân cấp, phân quyền cao hơn hiện nay; đồng thời, cần triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong quản trị đô thị, xây dựng hệ thống chính quyền điện tử thông minh.

Đặc biệt, tăng cường nhân lực quản trị chất lượng cao và thúc đẩy kinh tế tư nhân chính là chìa khóa quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh vươn mình mạnh mẽ trở thành siêu đô thị của Châu Á, trong bối cảnh Đảng và Chính phủ xác định quyết tâm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Dư địa phát triển mới cho hai nền kinh tế tốp đầu

Sau sáp nhập, vai trò "đầu tàu kinh tế" của Thành phố Hồ Chí Minh càng rõ nét. Từ gần 1,78 triệu tỷ đồng, dẫn đầu cả nước, nếu cộng thêm Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng quy mô nền kinh tế lên hơn 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 1/4 GDP cả nước, gần gấp đôi so với Hà Nội (1,42 triệu tỷ đồng). Sáp nhập hai địa phương được xem là “thủ phủ” sản xuất công nghiệp, năng lượng và dịch vụ - du lịch phía Nam giúp Thành phố Hồ Chí Minh củng cố vị thế trụ cột của nền kinh tế cả nước.

Các chuyên gia đánh giá, việc mở rộng địa giới hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp tăng kết nối vùng, đặc biệt với khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy hạ tầng giao thông - logistics và mở rộng quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp - dịch vụ cảng biển, năng lượng, xây dựng… Đây sẽ là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh giải bài toán thiếu hụt không gian và nguồn lực phát triển đã tồn tại nhiều năm.

“Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có hai hạ tầng trọng điểm quy mô lớn mà trước đây thành phố chưa có, bao gồm cảng biển lớn nhất của vùng là cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu và ga xe lửa lớn nhất của Việt Nam là ga Sóng Thần ở Bình Dương. Điều này mở ra các cơ hội phát triển đô thị công nghiệp và công nghệ cao về phía bắc, cũng như phát triển chuỗi đô thị cảng biển và đô thị du lịch biển về phía nam và đông nam”, chuyên gia quy hoạch, Tiến sỹ Khoa học Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Việc liên kết các cảng biển hiện hữu và các dự án cảng biển nước sâu chuẩn bị xây dựng là động lực để giúp Thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành trung tâm logistics với hệ thống cảng biển quốc tế lớn, điểm giao thương hàng hải, trung tâm kinh tế biển của khu vực và thế giới, siêu đô thị ở châu Á.

Nếu nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nắm giữ vị thế số một cả nước sau sáp nhập thì tỉnh Đồng Nai mới (hợp nhất hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước) cũng khẳng định vững chắc nền kinh tế tốp đầu với quy mô khoảng 613.000 tỷ đồng, xếp thứ tư cả nước. Từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu, còn tỉnh Bình Phước cũng đang vươn lên phát triển năng động trong những năm gần đây.

Kết nối Bình Phước và Đồng Nai thành một đơn vị hành chính mới không chỉ giúp Đông Nam Bộ có hai nền kinh tế phát triển sôi động, mà còn tạo trục kết nối thông suốt từ vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và hướng ra biển; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất từ Tây Nguyên về Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ để tiêu thụ, xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy các ngành du lịch - dịch vụ thương mại.

Sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là sự điều chỉnh về địa lý, mà còn là bước đột phá chiến lược, mở ra cơ hội quy tụ nguồn lực, tạo thêm không gian và dư địa phát triển mới cho các địa phương. Đặc biệt cuộc sáp nhập lần này tiếp tục định hình vai trò “đầu tàu” của Thành phố Hồ Chí Minh trong bản đồ kinh tế khu vực, của vùng Đông Nam Bộ trong bản đồ kinh tế Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục