Thêm giải pháp cho phát triển thị trường chứng khoán

10:00' - 26/06/2021
BNEWS Theo Vietnam Report, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam, công ty đại chúng được quản trị tốt sẽ giảm chi phí giao dịch, chi phí vốn, độ rủi ro, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Từ đó, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Vì vậy, vấn đề quản trị doanh nghiệp ngày càng được coi trọng, không chỉ tại các quốc gia mà các tổ chức lớn như: Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)... cũng đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá về quản trị.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho biết, năm 2021, Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp 2020 cùng đi vào hiệu lực với nhiều điểm nổi bật và có những quy định riêng về quản trị công ty đại chúng, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp trong quản trị công ty đại chúng.

Luật Chứng khoán mới cũng đưa vào nhiều điều khoản hỗ trợ cho các nhà đầu tư cá nhân, cũng như nắn dòng tiền không mang tính đầu cơ nhiều, có nghĩa là hạn chế việc huy động vốn bằng nhiều cách của doanh nghiệp mang tính rủi ro cao.

Tuy nhiên, cần cải thiện năng lực của thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, làm cho thị trường thêm minh bạch, lành mạnh.

Để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, trong khảo sát được tiến hành gần đây của Vietnam Report cho thấy, các chuyên gia và doanh nghiệp đã tổng hợp 6 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo đó, có 85,71% ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán; gần 81% ý kiến coi trọng việc hiện đại hóa công nghệ thông tin để phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới.

Hơn 52% ý kiến nhấn mạnh việc tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thị trường, thực hiện thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định tạo sự phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán.

Hơn 47% ý kiến cho rằng phải tập trung thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và đa dạng hơn các công cụ phái sinh trên thị trường.

Ngoài ra, hơn 38,10% ý kiến nhận định, phải tập trung nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, trung tâm lưu kí, ngân hàng giám sát.

Năm 2020 là năm lên ngôi của các quỹ hoán đổi danh mục đầu tư (ETF) trên toàn cầu và ở Việt Nam đã có 5 quỹ ETF nội địa được thành lập mới, chiếm 70% tổng số quỹ ETF nội hiện đang hoạt động.

Quỹ ETF là xu hướng đã phát triển trong nhiều năm và phát triển rộng khắp ở nước ngoài.

Quỹ tiết giảm được chi phí quản lý, chỉ bằng từ 30-40% so với quỹ thông thường nhờ ưu thế về danh mục đầu tư đa dạng hóa, chi phí giao dịch thấp và các tùy chọn giao dịch chênh lệch giá.

Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của quỹ ETF cũng dễ hiểu, thông tin minh bạch và đưa được nhiều người đến chứng khoán.

Để có được thành công trong công việc xây dựng và đưa quỹ ETF phát triển hơn nữa tại Việt Nam, cần các giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực hoạt động của quỹ này cũng như nhiều tổ chức trung gian khác.

Tháng 8/2021, Vietnam Report sẽ công bố Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021 trên cơ sở kế thừa thành quả nghiên cứu từ Bảng xếp hạng Top10 doanh nghiệp niêm yết uy tín đã được công bố thường niên từ năm 2016 tới nay, dựa trên phương pháp mã hóa dữ liệu báo chí từ truyền thông và kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như bất động sản – xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, dược, thực phẩm – đồ uống, bán lẻ, du lịch và logistics./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục