Thêm một cảnh báo về "gã khổng lồ ngủ yên" ở Nam Cực

06:29' - 02/05/2018
BNEWS Sông băng Totten nằm ở thềm Đông của Nam Cực vốn được mệnh danh là "gã khổng lồ ngủ yên" bởi kích thước lớn, với diện tích tương đương nước Pháp, và ít nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường.
Thêm một cảnh báo về "gã khổng lồ ngủ yên" ở Nam Cực. Nguồn ảnh: ABC

Diện tích tiếp xúc với nước biển ấm của Sông băng Totten ở Nam Cực lớn hơn nhiều so với ước tính trước đây của các nhà khoa học, làm gia tăng quan ngại về tốc độ tan chảy của "gã khổng lồ ngủ yên" có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao 3 mét này.

Sông băng Totten nằm ở thềm Đông của Nam Cực vốn được mệnh danh là "gã khổng lồ ngủ yên" bởi kích thước lớn, với diện tích tương đương nước Pháp, và ít nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường.

Tuy nhiên, cuối năm 2017, một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra một kết quả đáng lo ngại, theo đó các khối băng lớn ở sông băng này đang tan chảy âm thầm từ phía dưới do gió thổi nước biển ấm xuống mặt dưới của sông băng.

Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 20/3, các nhà khoa học cho biết họ đã sử dụng sóng địa chấn nhân tạo quét qua băng và phát hiện diện tích trôi nổi trên biển của Sông băng Totten lớn hơn nhiều so với ước tính trước đây.

Theo nhà nghiên cứu Paul Winberry của trường đại học Central Washington, ở một số vị trí trước đây được cho là tiếp đất, các nhà khoa học đã phát hiện bên dưới là đại dương, cho thấy Sông băng Totten đang trôi, theo đó diện tích tiếp xúc với nước biển ấm tăng lên và điều này giải thích hiện tượng tan chảy gia tăng trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, điều này cũng có nghĩa Sông băng Totten có thể sẽ nhạy cảm hơn với những biến thiên của thời tiết trong tương lai.

Trưởng nhóm nghiên cứu Ben Galton-Fenzi, thuộc Cơ quan về Nam Cực của Australia (AAD), cho biết với lượng băng đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao tới 3 mét nếu tan chảy, Sông băng Totten là một trong những đối tượng cần giám sát chặt chẽ và nghiên cứu kỹ càng nhằm đánh giá những ảnh hưởng có thể xảy ra với mực nước biển với vô vàn các viễn cảnh tương lai.

Theo đó, các công cụ để tính toán dòng chảy, tốc độ và độ dày của sông băng hiện đã được đặt tại đây thêm 12 tháng để thu thập số liệu.

Sông băng là một khối băng lớn lâu năm (có tỷ trọng thấp hơn băng thường), hình thành ở nơi tuyết tích tụ qua hàng thế kỷ, di chuyển liên tục bởi trọng lượng lớn của chính nó.

Sông băng lưu giữ lượng lớn nước trên Trái Đất và cũng là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng một khi chúng tan chảy.

Theo tính toán của NASA, trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2016, Nam Cực đã mất 125 gigaton băng mỗi năm, khiến mực nước biển trên toàn cầu mỗi năm dâng 0,35 mm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục