Theo dòng thời sự: Trung Quốc-EU “đồng sàng, dị mộng”

19:19' - 17/07/2018
BNEWS Xét ở nhiều góc độ, Trung Quốc và EU vẫn còn một khoảng cách khá xa trong việc tìm kiếm lập trường chung để đối phó với Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 20 vừa diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh đã nhất trí hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu.

Đây có thể xem là tín hiệu về sự đồng lòng nhất định của Bắc Kinh và Brussels nhằm chống lại chính sách bảo hộ thương mại và tăng thuế quan mà Mỹ đang áp đặt với cả Trung Quốc và EU, gây ra những tranh cãi gay gắt có nguy cơ “kích hoạt” một cuộc chiến thương mại quy mô lớn gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư song phương. Tuy nhiên, xét ở nhiều góc độ, giữa Trung Quốc và EU vẫn còn một khoảng cách khá xa trong việc tìm kiếm lập trường chung để đối phó với Mỹ.

Có thể thấy Trung Quốc và EU cùng chia sẻ nhiều lợi ích và mối quan ngại chung liên quan tới chính sách thương mại theo phương châm “Nước Mỹ trước tiên” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi. Cả Trung Quốc và EU đều là những đối tác thương mại lớn của Mỹ và đều đang chịu “tổn thất” nặng nề do chính sách bảo hộ mậu dịch của Washington.

Căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ đang ngày càng leo thang sau khi Washington áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, thậm chí Tổng thống Donald Trump còn đe dọa đánh thuế tất cả các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 500 tỷ USD, gần tương đương tổng lượng hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm ngoái.

Quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng trong giai đoạn sóng gió bởi “cuộc chiến thuế” do Mỹ áp mức thuế 25% với mặt hàng thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ EU. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trên kênh truyền hình CBS, ông Trump còn xác định Trung Quốc, Nga và EU là những “đối thủ” của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và EU có mục tiêu chung là tìm kiếm một chiến lược phối hợp để ứng phó với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương chặt chẽ hơn.

Việc hai bên đề cao hoạt động phối hợp để tránh một "cuộc xung đột và hỗn loạn" thương mại nhằm ngăn chặn nguy cơ căng thẳng thương mại biến thành một cuộc đối đầu khốc liệt, thể hiện quan điểm tương đồng của Trung Quốc và EU thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác đa phương.

Tuy nhiên, tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh này chỉ dừng lại ở việc nhắc lại những cam kết đối với thương mại tự do, công bằng dựa trên trật tự quy tắc thế giới, chứ không đề cập tới việc “thiết lập một liên minh” nhằm đối phó với chính sách thương mại của Mỹ.

Trong khi Trung Quốc và EU đều cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, hai bên lại không xác định nước Mỹ hay chính quyền Tổng thống Trump là đối thủ chung bởi những lợi ích khác nhau của Trung Quốc và EU trong quan hệ với Mỹ.

Trên thực tế, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và giữa EU với Mỹ về bản chất không giống nhau.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ- Trung có thể coi là một câu chuyện dài kỳ, không chỉ là sự đối đầu trong các vấn đề kinh tế mà còn thể hiện ở việc hai bên có quan điểm khác nhau trong các vấn đề hợp tác và phát triển, đồng thời cũng là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Không chỉ là vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ hay đánh cắp sở hữu trí tuệ, có thể coi đây là màn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc, nền kinh tế đang thách thức vị trí siêu cường của Mỹ.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU hay với các đồng minh khác phần nhiều xuất phát từ chính sách mà chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi nhằm thực hiện những cam kết bảo vệ nền kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ, đồng thời cũng để tạo lợi thế cho Mỹ trên bàn đàm phán các hiệp định tự do thương mại.

Bởi vậy, dù đều có tranh chấp thương mại với Washington, song EU và Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép rất khác nhau từ phía Mỹ.

Không những thế, Trung Quốc và EU giữ quan điểm khác nhau về Mỹ. EU và Mỹ có nhiều điểm tương đồng về lợi ích mà quan hệ giữa Trung Quốc và EU không thể nào so sánh được. EU hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Mỹ về mặt quân sự, nhất là các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.

Trong cục diện đó, việc Trung Quốc kỳ vọng EU thay đổi, quay sang hợp tác với mình để đối phó với Mỹ là không thực tế. Thậm chí, gần đây có tin EU cùng một số nước khác như Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về một số vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…

Bên cạnh đó, giới chức ở Brussels cũng tỏ ra “dè dặt” khi các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc ồ ạt “đổ bộ” vào châu Âu, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, tài chính, giao thông.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào “lục địa già” khoảng 320 tỷ USD, hơn một nửa trong tổng số 678 dự án mở cửa cho đầu tư nước ngoài tham gia ở châu Âu có nguồn vốn xuất xứ từ Trung Quốc.

Riêng trong hai năm 2016-2017, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào EU tăng gần 80%. Ảnh hưởng kinh tế và cả chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các thành viên EU ở khu vực Trung và Đông Âu cũng đang gây lo ngại bởi điều này có thể đe dọa đến sự thống nhất, tiêu chuẩn và giá trị của EU.

Đây là những lý do khiến EU từ chối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo một mặt trận chung gây áp lực với Mỹ về thương mại.

Ở khía cạnh nào đó, có thể nói EU và Trung Quốc đang trong tình trạng “đồng sàng, dị mộng”, nên hai bên sẽ có những phương cách khác nhau để dàn xếp căng thẳng với Washington nhằm bảo đảm lợi ích của riêng mình mà khó phối hợp hành động trên thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục