Thi công làm hỏng nhà dân, chủ đầu tư đền bù chưa thỏa đáng

19:14' - 21/04/2017
BNEWS Câu chuyện tranh chấp giữa chủ đầu tư các dự án chung cư cao tầng với khách hàng chưa chấm dứt, nhưng tại nhiều nơi các hộ dân xung quanh dự án cũng đang “hứng” đủ.

Những cuộc tranh cãi tiếp tục xảy ra và cho dù kết quả thế nào thì người dân vẫn là người chịu thiệt.

Nếu các dự án thực hiện giữa khu đất “đồng không mông quạnh” đơn giản bao nhiêu thì những công trình chung cư cao tầng xây xen giữa hoặc gần kề các khu dân cư lại phức tạp bấy nhiêu.

Nằm tại vị trí khá “đắc địa”, dự án Khu nhà ở hỗn hợp thấp tầng và nhà trẻ - La Casa Villa số 25 Vũ Ngọc Phan (Đống Đa, Hà Nội) được đánh giá có tính thanh khoản cao, thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Thế nhưng từ khi khởi công, chủ đầu tư dự án La Casa Villa là Công ty Đầu tư TNHH RITM Mekong - Đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Mekong (Mekong Invest) liên tục bị "tố" làm lún, nứt hàng chục căn nhà trong Khu tập thể Viện Công nghệ cận kề.

Vết nứt tại trạm bơm khu tập thể viện Công nghệ cận kề dự án. Ảnh: Trung Du

Theo một số người dân đang sinh sống trong Khu tập thể Viện Công nghệ, thuộc Tổ dân phố số 59, phường Láng Hạ, họ luôn sống trong nỗi lo âu, thấp thỏm từ khi dự án thi công (khoảng tháng 1/2016) bởi bụi và tiếng ồn.

Thế nhưng, câu chuyện không chỉ dừng ở đó khi mà nhiều căn nhà lân cận đã bắt đầu xuất hiện vết nứt, lún, thậm chí ở cả ngoài sân. Nguyên nhân được xác định là do các tác động từ quá trình thi công dự án La Casa Villa.

Theo anh Phạm Quang Hải, Khu tập thể Viện Công nghệ, ban đầu chỉ một phần sân gạch bị bật ra. Về sau, trong nhà bắt đầu xuất hiện các vết rạn rồi dần nứt to ra. Có hộ bị nứt vừa phải, nhưng cũng có hộ bị nứt rất rộng, sàn bị bẻ đôi, nứt trần.

Thậm chí, các lối ra vào bị bóp méo không thể đóng được cửa. Ngay như bể nước ngầm của khu tập thể có dấu hiệu bị rạn nứt với nỗi lo thất thoát nguồn nước sạch.

Điều khiến những nạn nhân của dự án La Casa Villa bức xúc là đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và chủ đầu tư dự án, song mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn, sự bù đắp thiệt hại theo kiểu qua loa, đại khái, ông Nguyễn Trung Trực - người đại diện quyền lợi cho các hộ dân trong Khu tập thể bị thiệt hại phản ánh.

Mỗi lần xảy ra sự cố, dân phải làm đơn mời họ đến xem xét. Thế nhưng họ chỉ đến chụp ảnh, ra văn bản thông báo một cách hời hợt, vô trách nhiệm. Họ định giá và đền bù thiệt hại với giá rẻ mạt chỉ đủ để trát chít, che đậy các vết nứt theo kiểu hình thức..., ông Trực cho biết.

Trước những khiếu kiện của dân, phường Láng Hạ cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án La Casa Villa, nhà thầu phải tạm dừng thi công cho đến khi đảm bảo, khắc phục những vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Dự án La Casa Villa (25 Vũ Trọng Phan - HN) thi công gây nứt nhà dân. Ảnh: Trung Du

Tương tự, một doanh nghiệp lớn của Bộ Xây dựng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cũng vướng phải những “lùm xùm” này bởi quá trình thi công gây nứt nhà dân cận kề.

Cách nhau một bờ tường, tòa nhà công vụ của Hancorp gần sát Khu tập thể Tổng cục II - ngõ 105 đường Xuân La - Phường Xuân Tảo - Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Khi chủ đầu tư thi công tòa nhà này, các hộ dân ở gần sát dự án đã chịu nhiều ảnh hưởng.

Bà Phượng - ngõ 42/11/105 kể lại, có lần cả một thanh sắt to bay từ dự án sang nhà dân và rơi thẳng xuống sân. Rất may, thời điểm đó là giờ trưa nên các cháu nhỏ và người dân không ngồi chơi ở sân chứ không hậu quả sẽ khôn lường. Kể từ ngày có dự án, bụi bẩn và tiếng ồn đã đành, khu vực giáp ranh này cũng lộn xộn về an ninh trật tự.

Tuy nhiên, đỉnh điểm khiến người dân khu Tổng cục II bức xúc chính là việc công trình thi công gây ảnh hưởng tới nhà của họ, trong đó dãy 42/11 chịu nhiều thiệt thòi nhất. Căn nhà số 31 cuối dãy 42/11/105 chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng thấy tách rời khỏi nhà liền kề và nghiêng hẳn về phía bên dự án.

Cùng đó, hàng loạt các hộ gia đình khác cũng bị nứt, bung gạch nền nhà, hỏng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khiến trời mưa ngồi trong nhà cũng có thể hứng được nước...

Sau nhiều lần kiến nghị và có sự tham gia giải quyết của chính quyền sở tại, phía Hancorp đã lên phương án đền bù cho các hộ dân. Một số nhà cách xa dự án bằng lòng nhận số tiền để “trát vết nứt” với mức chỉ từ 5 - 6 triệu đồng.

Còn các hộ thiệt hại nặng vẫn chưa chấp thuận phương án. Như nhà chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là căn số 31 thì chủ đầu tư lên phương án khoảng 10 triệu đồng cho việc trát vết nứt; còn nhà nghiêng thì vẫn phải chờ theo dõi tiếp.

Hiện tại khu vực này, các nhà cận kề nhà số 31 đang có dấu hiệu “nghiêng theo” và vẫn còn 7 hộ dân chưa chấp thuận với phương án đền bù được Hancorp đưa ra.

Trong khi đó, dự án đang đi vào giai đoạn chuẩn bị bàn giao nhà cho khách hàng vào ở nên những “nạn nhân” của tình trạng trên đang lo ngại rơi vào tình cảnh “bắc thang lên hỏi ông giời”.

Tham khảo ý kiến từ các luật sư cho thấy, trong quá trình chủ đầu tư, nhà thầu tiến hành thi công dự án, nếu gây ảnh hưởng, làm hư hại, xuống cấp các công trình dân sinh lân cận mà dân có đơn kiến nghị, phản ánh thì chính quyền địa phương phải yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tạm dừng thi công và chỉ được thi công trở lại khi đã đền bù, khắc phục sự cố cho dân.

Trong khi đó, hiện tòa nhà công vụ trong Khu Ngoại giao đoàn đã sắp được bàn giao thì người dân vẫn phải đợi chờ những đền bù thỏa đáng từ phía Hancorp./.

>>> Tranh chấp tại chung cư: Quy định đã có nhưng kinh phí bảo trì vẫn khó đòi

>>> Giải quyết tranh chấp chung cư: Hai bên đều cần chữ “Tín”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục