Thí điểm lắp đặt nhật ký khai thác điện tử cho tàu cá

11:25' - 05/07/2023
BNEWS Việc ghi nhật ký khai thác điện tử tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân, giúp tiết kiệm thời gian khi ghi chép bằng giấy và có thể truy xuất lại khi cần thiết.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, ngành thủy sản tỉnh Bình Định đang thực hiện thí điểm để có cơ cở đánh giá thiết bị nhật ký khai thác điện tử lắp đặt cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh, từ đó tham mưu UBND tỉnh quyết định chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu tỉnh đặt ra.

Năm 2023, tỉnh Bình Ðịnh thí điểm lắp đặt 100 thiết bị nhật ký khai thác điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh. 

Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học (Viện ứng dụng công nghệ, Hà Nội) lắp đặt thử nghiệm thiết bị nhật ký khai thác điện tử trên 10 tàu cá Bình Định, hiện đã thử nghiệm 2 chuyến và đang trong chuyến thứ 3. 

Qua 2 chuyến đầu tiên, kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy nhật ký khai thác điện tử ghi nhận số liệu phù hợp, logic. Hiện, Chi cục Thủy sản yêu cầu đơn vị tiếp tục thử nghiệm chuyến thứ 3 để khắc phục một số vấn đề như: chậm kích hoạt thiết bị, cập nhật dữ liệu chưa đồng bộ…

Một đối tác khác là Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã lắp đặt thiết bị nhật ký khai thác điện tử trên 10 tàu cá Bình Định, đã thử nghiệm 1 chuyến và hiện đang thử nghiệm chuyến thứ 2. 

Qua đợt thử nghiệm đầu tiên, kết quả cho thấy hệ thống nhật ký khai thác điện tử được lắp đặt thử nghiệm trên các tàu hoạt động ổn định trong suốt chuyến biển. Thiết bị nhật ký khai thác điện tử ghi nhận các vị trí thả câu, thu câu tương đối khớp với hành trình của tàu theo dữ liệu ghi nhận trên thiết bị giám sát hành trình… Tuy nhiên, việc nhập thông tin chuyến biển, mẻ lưới không kịp thời nên có hiện tượng dữ liệu thu được không đủ đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay bước đầu cả 2 hệ thống nhật ký khai thác điện tử đang thử nghiệm đều thể hiện nhiều tín hiệu khả quan với những ưu thế riêng. Việc ghi nhật ký khai thác điện tử tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân, giúp tiết kiệm thời gian khi ghi chép bằng giấy trong quá trình khai thác và có thể truy xuất lại khi cần thiết; giảm sự sai lệch giữa sản lượng đánh bắt và sản lượng khai báo; chuyển dữ liệu nhanh chóng về các cơ quan quản lý phục vụ cho công tác thu thập, tổng hợp số liệu kịp thời để báo cáo.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với việc thí điểm, Sở đề xuất Cục Thủy sản (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tham mưu Bộ sớm ban hành Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thiết bị nhật ký khai thác điện tử; tổ chức lựa chọn, công bố đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị nhật ký điện tử.

Đồng thời, Cục Thủy sản sớm có văn bản hướng dẫn về thiết bị nhật ký điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử triển khai đồng bộ trên toàn quốc; tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo cán bộ chuyên môn về quản lý thiết bị nhật ký điện tử và thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục